Học sinh và phụ huynh nghe tư vấn tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2024 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Dư luận rất đồng tình ủng hộ chủ trương này, hy vọng sẽ giúp tháo gỡ một trong những điểm nghẽn thể chế về giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các cấp học, từ phổ thông đến đại học và giáo dục nghề nghiệp, giúp phân luồng và liên thông hiệu quả hơn nhờ một sự lãnh đạo thống nhất của Bộ GD-ĐT.
Hệ lụy từ điểm nghẽn
Sự phân tách quản lý giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là một trong những rào cản lớn đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.
Trong khi Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm giáo dục phổ thông và đại học thì Bộ LĐ-TB&XH quản lý giáo dục nghề nghiệp. Sự phân chia này dẫn đến hệ thống quản lý thiếu liên kết, khó khăn trong phối hợp triển khai chính sách đào tạo, đặc biệt là quá trình phân luồng học sinh sau THCS.
Các trường phổ thông thường thiếu giáo viên và cơ sở vật chất để dạy nghề, trong khi các trường nghề tuy có đủ điều kiện nhưng lại không thu hút được học sinh do thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các trường phổ thông.
Ngoài ra, sự tồn tại song song của các chương trình cao đẳng nghề và cao đẳng "không nghề" - vốn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GD-ĐT trước đây - đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức đào tạo dù đã có khung trình độ quốc gia thống nhất.
Bên cạnh sự chồng chéo trong quản lý là sự trùng lặp về chức năng - nhiệm vụ giữa các đơn vị, gây phức tạp cho bộ máy. Tại Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có các đơn vị với chức năng tương tự Bộ GD-ĐT.
Ở cấp tỉnh và huyện, việc hình thành các phòng giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã khiến hệ thống trở nên cồng kềnh và kém hiệu quả.
Đồng thời, sự thiếu quy hoạch tổng thể về đào tạo nhân lực dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Dù có một số trường nghề và cơ sở đào tạo nghề đạt chất lượng tốt, sự thiếu liên kết với các chương trình giáo dục phổ thông và đại học khiến học sinh khó xác định rõ con đường học tập và nghề nghiệp của mình.
Những kỳ vọng và thách thức
Sự thống nhất quản lý nhà nước về GD-ĐT, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được cải thiện giúp cho học sinh có nhiều lựa chọn con đường học nghề, người lao động có cơ hội học tập suốt đời và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cải thiện cơ hội việc làm.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kỳ vọng sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn; giữa giáo dục phổ thông - giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học liên kết thuận lợi hơn; hệ thống luật pháp đồng bộ, thông tin quản lý thống nhất giúp tăng hiệu lực và hiệu quả GD-ĐT.
Xã hội kỳ vọng vào một hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng và hiệu quả, là một trong các trụ cột đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia và giảm lãng phí cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.
Tuy nhiên thực tế cho thấy kỳ vọng càng cao thì thách thức càng lớn. Phía trước còn rất nhiều việc phải làm bởi thời gian gấp rút, công việc rất đồ sộ từ trung ương đến sở ngành, địa phương.
Từ việc phải sắp xếp lại bộ máy khi chuyển một số đơn vị trước đây của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD-ĐT đến việc rà soát cơ chế, chính sách, chiến lược, bố trí nhận bàn giao nguồn lực, tích hợp hệ thống thông tin quản lý để không gây ách tắc hoạt động của toàn hệ thống.
Vấn đề sắp xếp nhân sự cần đặc biệt lưu ý khi tái cơ cấu. Vì thế, ngoài việc rà soát đánh giá chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trong bộ, việc thiết kế tiêu chuẩn đánh giá khách quan, tin cậy, công khai, minh bạch về năng lực và phẩm chất của đội ngũ là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên để an lòng người đi kẻ ở.
Đội ngũ nhân sự mạnh, chuyên nghiệp, tận tâm phụng sự nhân dân luôn có vai trò cốt lõi để tổ chức tái cấu trúc tinh giản, mạnh, hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả.
Để tránh công việc không bị rối và trùng lặp, rất cần xây dựng lộ trình và kế hoạch chi tiết để sáp nhập và tinh gọn bộ máy. Tăng cường truyền thông và phản ứng nhanh nhạy với ý kiến của các bên liên quan nhất là ý kiến của các cơ sở GD-ĐT tham gia vào quá trình thay đổi.
Bên cạnh việc đảm bảo các nguồn lực tài chính, nhân sự và cơ sở vật chất cần thiết cho quá trình chuyển đổi, cần có cơ chế phối hợp liên bộ, liên sở trong giai đoạn đầu của việc chuyển giao để hạn chế đình trệ các hoạt động.
Điều đáng quan tâm là 63 địa phương cần chủ động để có ngay phương án sắp xếp, tinh giản bộ máy của sở GD-ĐT, không chờ vào Bộ GD-ĐT mà cần tiến hành ngay và song song với tiến trình tái cơ cấu của Bộ GD-ĐT theo chủ trương phân cấp hành chính.
Từ tư duy tới hành động
Tư duy đúng đắn đã được lãnh đạo Đảng và Chính phủ đề ra, vấn đề là triển khai thành hành động trong thực tiễn đòi hỏi nhận thức chung trong xã hội, đòi hỏi ý chí cách mạng của toàn hệ thống để cùng chung tay tháo gỡ điểm nghẽn thể chế trong đào tạo nhân lực. Làm sao để có bộ máy mạnh, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả là câu hỏi cần đặt ra đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu bộ máy.