Chuyên mục  


Thu Giang là học sinh lớp 9 ở quận 1, TP HCM. Đặt mục tiêu đỗ trường THPT top đầu và muốn thử sức thi trường chuyên, nữ sinh đăng ký 7 buổi học thêm Toán, Văn, Tiếng Anh mỗi tuần. Mỗi buổi học kéo dài 2-3 tiếng, tùy lớp học mà nội dung và dạng đề ôn tập khác nhau.

Học ở trường cả ngày, lại cộng với học thêm, Giang không còn biết tới cuối tuần hay ngày nghỉ. Ngày nào nữ sinh cũng 22h mới về đến nhà, thay quần áo rồi học tiếp. Trước đây, Giang không học thêm vì thấy "sức học không tệ", nhưng trước kỳ thi lớp 10 sắp tới, nữ sinh thấy áp lực.

"Đi học mới thấy kiến thức của em chưa tới đâu, nên em tự thấy cần đi học thêm. Sau một tháng, bố mẹ hỏi cần bớt lớp nào nhưng em nói muốn học tất cả", Giang kể.

Tiền học thêm của Giang hết khoảng 9 triệu đồng mỗi tháng. Nữ sinh cho biết đây chỉ là mức trung bình so với bạn bè trong lớp, vì nhiều gia đình khá giả sẽ chi nhiều hơn để tìm thầy cô giỏi, nổi tiếng hoặc chọn lớp ít học sinh.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập ở TP HCM, tháng 6/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Chị Hà, trú tại Vĩnh Phúc, kể khi con vào lớp 5, nhận thấy lực học của con hơi đuối so với bạn bè, chị tìm và đăng ký cho con học Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, mỗi môn một buổi trong tuần.

Lớp đông nhất 20 bạn, học phí 50.000 đồng một buổi; lớp ít nhất 6 bạn, học phí 80.000 đồng, mỗi buổi hai tiếng. Lớp học ở luôn nhà thầy cô, có điều hòa, bàn ghế đầy đủ. Ngay sau buổi học đầu tiên, con chị nói muốn học tiếp. Giáo viên hướng dẫn tận tình, còn gửi học liệu và những lưu ý cho phụ huynh, giữ liên lạc thường xuyên.

"Đến hết kỳ I, con học tốt hơn hẳn, được giáo viên trên lớp đánh giá có tiến bộ. Tôi còn mừng vì con không mệt mỏi khi phải học thêm hai tiếng buổi tối", chị Hà nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đại biểu quốc hội nhiều lần khẳng định dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật và chính đáng của cả giáo viên và học sinh.

Trong buổi thảo luận sáng 20/11, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh và đại biểu Chamaléa Thị Thủy đều cho rằng không chỉ với nhóm học yếu, học sinh có học lực bình thường, thậm chí khá giỏi vẫn có nhu cầu học thêm để nâng cao kiến thức, thi được vào trường chuyên, lớp chọn.

Hiện, số liệu khảo sát về học thêm chủ yếu ở quy mô địa phương hoặc theo cấp học. Chẳng hạn cuối năm 2023, Bệnh viện thành phố Thủ Đức, TP HCM, công bố nghiên cứu cho thấy 88,4% học sinh THPT đi học thêm.

Tuy nhiên, không phải học sinh nào học thêm cũng từ nhu cầu tự thân, theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Không có số liệu cụ thể, song ông Ngai cho rằng "số này không ít" và chủ yếu vì "bị thầy cô lôi kéo, tác động".

"Không vơ đũa cả nắm, nhưng tôi thấy nhiều giáo viên bằng cách này hay cách khác thu hút học sinh tới lớp học thêm của mình", ông nói. "Các hình thức lôi kéo thì nhiều lắm, ví dụ cho các em học trước chương trình ở lớp học thêm, tới khi kiểm tra, cháu nào không đi học sẽ thiệt thòi; hoặc thầy cô thể hiện thái độ với học sinh".

Chị Thúy Lan, 36 tuổi, ở Hà Nội, cho biết con gái cũng từng rơi vào trường hợp này và rất bức xúc.

Năm ngoái, khi con vào lớp 4, chị cho học ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh tại một trung tâm gần nhà. Một buổi học kéo dài ba tiếng với học phí 300.000 đồng, sĩ số khoảng 30. Thấy mức thu vừa phải, con gái đi học vui vẻ, hiệu quả, chị Lan định cho học hết năm nay.

Sau khai giảng vài hôm, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của con cũng mở lớp dạy thêm. Lịch học là hai buổi mỗi tuần, học phí 200.000 đồng một buổi. Không muốn con học thêm quá nhiều, chị Lan không đăng ký.

"Từ đó, tôi cảm nhận thái độ của cô với con khác hẳn", chị nói. Theo lời con và một số bạn, chị biết cô thường chê con trước lớp, dù điểm quanh mức 9. Có hôm tan học, vừa thấy mẹ ở cổng trường, con gái òa khóc chạy đến, kể bị cô phê bình vì đặt tính sai. Trò chuyện với một số phụ huynh khác, người mẹ được rỉ tai lý do là không đi học thêm.

"Tôi quyết định cho con học thêm ở lớp của cô", chị Lan kể. "Từ đó, đôi lúc con vẫn còn mắc lỗi, nhưng cô giáo không còn phê bình, trách phạt trước lớp như trước.

Trả lời VnExpress hôm 24/8, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng không cần phải cấm hay đáng chê trách việc giáo viên dạy thêm.

"Vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn", ông nói. Do đó, trong dự thảo thông tư về hoạt động này, Bộ dự kiến nới một số quy định.

Ông Ngai đồng tình. Theo ông, thường là nhóm "bị ép" hay bất bình, lên án, muốn dẹp bỏ dạy thêm - học thêm.

"Việc gì thích và tự nguyện thì mọi người sẵn sàng đầu tư thời gian, công sức. Ngược lại khi đã bị tác động, lôi kéo thì các cháu sẽ học trong sự miễn cưỡng, gia đình cũng không thoải mái, như vậy làm sao có kết quả tốt được", ông phân tích.

Trong khảo sát hôm 25/8, khoảng 67% trong hơn 26.500 độc giả VnEpxress cho rằng nên "cấm dạy thêm". Lý do được nhiều người ủng hộ là sợ biến tướng khi giáo viên không dạy hết mình trên lớp, o ép về tinh thần với học sinh. Nhưng cũng có người cho rằng việc học thêm, dạy thêm "không có gì sai".

"Chỉ cần cấm giáo viên dạy thêm học sinh mà mình đang trực tiếp đứng lớp là đủ, để tránh việc biến tướng, giấu kiến thức trên lớp để dạy thêm", độc giả viết. "Vì chẳng hạn con tôi lực học ngang với con bạn, nhưng lại muốn đỗ vào trường tốt hơn thì hiển nhiên phải tìm giáo viên để học thêm, nâng cao kiến thức".

Chị Hà ở Vĩnh Phúc thấy rõ sự khác biệt về kết quả học của con khi học thêm chủ động và "bị ép". Hồi con gái học lớp 4, cô chủ nhiệm mở lớp dạy thêm ngoài giờ, song con không theo. Sau đó, cô liên tục nhận xét con thuộc nhóm học kém, người mẹ đành đưa con đến học. Lớp có khoảng 2/3 học sinh chính khóa ở trường. Cô không hướng dẫn từng em mà chủ yếu ra đề cho làm, sau đó chấm và chữa.

"Con liên tục than chán, nói không thấy học thêm được gì", chị Hà chia sẻ. "Vì lo lắng khi con liên tục bị đánh giá học kém, tôi vẫn cho con theo và chỉ dừng học khi con lên lớp 5, khi trường đổi giáo viên chủ nhiệm".

Đến khi học ở trung tâm, con chị Hà vui vẻ, thích đi học và trở nên tự tin hơn. Trong kỳ thi chia lớp 6 đầu năm nay, bé nằm trong top 2 của lớp và được chuyển sang lớp chọn.

"Học thêm đúng thầy cô, đúng thời điểm với thời lượng đúng, đủ đem lại tác dụng rất lớn", chị Hà nhìn nhận. Đến giờ, con chị Hà vẫn học thêm ở trung tâm này.

Một trung tâm dạy thêm, học thêm tại quận Tân Phú, TP HCM. Ảnh: CTV

Ông Ngai khuyên học sinh chỉ nên đi học thêm khi có nhu cầu thực sự. Nếu không, các em nên chia sẻ để bố mẹ làm việc trực tiếp với giáo viên hoặc nhà trường.

"Học là để cho các em, vì thế nên mạnh dạn bày tỏ và học dựa trên nhu cầu của bản thân", ông Ngai nói.

Về phía giáo viên, ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, tỉnh Lâm Đồng, cho rằng thầy cô luôn cần giữ đạo đức nhà giáo, không được phép ép buộc hay trù dập học sinh nếu các em không học thêm.

"Muốn học sinh tự nguyện học mình thì thầy cô đó phải giỏi, giảng hay, nên thay vì có hành vi ép buộc, nhà giáo cần nâng cao chuyên môn, năng lực. Một khi đã giỏi, giáo viên không lo thiếu học sinh", ông Chương khẳng định.

Thanh Hằng - Tâm Lệ

*Tên của học sinh, phụ huynh được thay đổi

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020