Chuyên mục  


17h30, cô Nguyễn Thị Mai và Phan Thị Duyên, giáo viên mầm non công lập ở quận Hà Đông, Hà Nội, hì hụi dọn phòng học, sắp xếp đồ chơi, đồ dùng rồi cọ rửa nhà vệ sinh. Vài trẻ vẫn đang ngồi đợi bố mẹ hoặc chơi ngoài sân trường. Các cô sẽ chờ đến khi phụ huynh đón các em rồi mới ra về.

"Nhiều hôm phải đến 19h, tôi mệt rũ", cô Mai, 43 tuổi, nói.

Còn cô Duyên, 53 tuổi, cho hay về đến nhà cũng mệt, không thiết tha làm việc gì. Nghĩ đến 7 năm nữa mới nghỉ hưu, cô Duyên cảm thấy oải.

Luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình, đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, khi Luật có hiệu lực năm 2020, tổ chức này đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với giáo viên mầm non.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sau đó nhiều lần kiến nghị đưa nhóm này vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động được nghỉ hưu sớm (không quá 5 năm). Song, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bác bỏ, cho rằng chưa có căn cứ.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo đang lấy ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đưa đề xuất này vào. Cụ thể, giáo viên mầm non có thể nghỉ làm từ 57 tuổi với nam, 55 với nữ mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu.

Theo khảo sát năm 2020 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, 10.700 người (chiếm 96% tổng số người được hỏi) kiến nghị nữ giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi 55.

Còn trên VnExpress, với thăm dò tương tự vàonăm 2023, 97% trong tổng số 7.800 người tham gia, đồng ý phương án trên.

Một giờ học tại trường mầm non công lập ở quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Biết đề xuất của Bộ, cô Duyên, cô Mai và nhiều giáo viên khấp khởi mừng. Cô Thanh Hải, 37 tuổi, ở quận 5, TP HCM, rất kỳ vọng việc này được thông qua.

Theo cô và nhiều đồng nghiệp, công việc của giáo viên mầm non rất đặc thù. Họ phải hoạt động tay chân liên tục, đòi hỏi sức khỏe tốt, nhanh nhẹn và sáng tạo. Cô Hải ví dụ mỗi lớp có 30-40 trẻ nhưng chỉ có hai giáo viên. Có khi vừa quay lưng, trẻ đã cấu, cắn nhau, gây trầy xước. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cô Hải phải nhanh tay, nhanh mắt nhưng càng có tuổi, phản xạ càng chậm đi.

"Hơn nữa, cả trẻ và phụ huynh đều thích cô trẻ hơn", cô Hải nhìn nhận.

Thời gian làm việc của giáo viên mầm non cũng kéo dài hơn bậc học khác, thường từ 6h30 đến 17h, thậm chí hơn. Làm việc liên tục, nhưng đến giờ nghỉ trưa, các cô hầu như không được ngủ vì còn phải trông, bế và dỗ dành trẻ. Cô Mai kể ngày trẻ không thấy mệt, nhưng sau tuổi 40, cô thấy quá tải, thường đau đầu, mệt mỏi, phải uống thuốc. Nhiều đồng nghiệp của cô bị viêm dây thanh quản, đau xương khớp...

Ngoài ra, các giáo viên muốn rút ngắn tuổi nghỉ hưu còn vì môi trường làm việc nhiều căng thẳng, khi thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn. Họ phải kiên nhẫn khi ở trong lớp với hàng chục học sinh, có bé ngoan, khỏe mạnh nhưng cũng có trẻ nghịch hay sức khỏe yếu. Ngay cả khi hết giờ làm, áp lực vẫn chưa chấm dứt khi phụ huynh điện thoại hỏi tình hình của con.

"Cảm xúc con người là bộc phát nhưng chúng tôi phải kìm chế để không có những hành vi thiếu chuẩn mực", cô Duyên nói. "Đến 60 tuổi mới nghỉ thì không biết tôi còn bế cháu mình được nữa không".

Ở các trường mầm non tưthục, giáo viên cũng muốn nghỉ hưu sớm. Gần 20 năm trong nghề, cô Trần Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng trường Mầm non Hiệp Thành, TP HCM, cho hay hiếm trường hợp chờ đúng tuổi mới nghỉ hưu. Phần lớn nghỉ việc ở độ tuổi 50-55, chấp nhận trừ tỷ lệ lương hưu được hưởng.

"Mặt khác, trường tư cũng không mặn mà với giáo viên lớn tuổi vì năng suất làm việc không bằng người trẻ", cô Nhung cho biết.

Giáo viên trường Mầm non Vàng Anh, TP HCM, hướng dẫn trẻ với bảng thông minh, hồi tháng 4. Ảnh: Lệ Nguyễn

Ông Ân cho rằng đề xuất nghỉ hưu sớm là hợp lý. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động hồi tháng 3 khẳng định giáo viên mầm non đủ điều kiện để xếp vào nhóm IV, tức nhóm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm.

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cũng tán thành. Bà nói đặc thù ở bậc mầm non, giáo viên hầu hết là nữ. Trên 50 tuổi, sức khỏe của họ suy giảm, xương khớp bắt đầu thoái hóa và nhiều chứng bệnh khác. Phụ nữ ở độ tuổi này cũng có biến động về tâm sinh lý, nhiều người tính tình thay đổi thất thường.

Trong khi đó, ở bậc mầm non, các cô giáo phải làm mẫu để trẻ theo, ví dụ múa, hát, thể dục, chưa kể vui chơi, bày trò cùng các bé. Với những bé ở độ tuổi nhỏ (6-12 tháng), giáo viên phải bế bồng liên tục.

"Năng lượng của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Khi sức khỏe cô giáo suy giảm, trẻ không được hưởng sự dạy dỗ tốt nhất", bà Điệp giải thích.

Cả nước hiện có khoảng 372.000 giáo viên mầm non, cả công lập và tư thục. Giáo viên trường công thu nhập phổ biến trong khoảng 5,8-18 triệu đồng một tháng, thấp hơn đồng nghiệp ở các bậc học khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các trường mầm non đang thiếu hơn 51.000 người so với định mức (1,2-2,5 giáo viên một lớp, sĩ số lớp tối đa là 29).

Các nhà quản lý nhìn nhận cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn với giáo viên mầm non. Trong đó, việc rút ngắn tuổi nghỉ hưu cũng là một cú hích, động lực để họ bám nghề.

Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được thảo luận tại Quốc hội vào ngày 9/11. Với bậc mầm non, ngoài đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu, ban soạn thảo kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi nghề thêm 10% (hiện là 35-50%). Ngoài ra, giáo viên mới được tuyển dụng ở mọi cấp học được tăng một bậc lương so với bảng lương thông thường.

Bình Minh - Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020