Chuyên mục  


Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An giữa tháng 10 phát động phong trào "Trường học nói không với điện thoại trong buổi học".

Theo đó, trước khi vào tiết đầu, các trường yêu cầu học sinh tắt nguồn điện thoại hoặc chuyển sang chế độ im lặng, rồi cất vào tủ lớp. Các em chỉ được nhận lại sau khi kết thúc buổi học. Song song đó, trường lập đường dây điện thoại để phụ huynh và học sinh liên lạc, tổ chức các hoạt động thể chất, câu lạc bộ khoa học, tiếng Anh, văn hóa... đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Ngoài ra, giáo viên giao bài tập, kiểm tra trực tiếp hoặc thông qua phụ huynh, hạn chế tối đa trao đổi qua các nhóm online, nhất là trong giờ học.

Ngành giáo dục Nghệ An kỳ vọng việc siết sử dụng điện thoại trong trường sẽ nâng cao chất lượng giáo dục, tạo thói quen học tập trung, tăng cường giao lưu trực tiếp, giảm tình trạng nghiện game, mạng xã hội của học sinh.

Học sinh trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An, cất điện thoại vào tủ trước giờ học ngày 14/10. Ảnh: Mỹ Hà/Báo Nghệ An

Tuyên Quang Hà Nội cũng có cách làm tương tự. Ở Hà Tĩnh, hàng loạt trường học phát động học sinh cam kết không mang điện thoại đến lớp, như THPT Phúc Trạch, Cẩm Bình, Kỳ Anh... Việc liên hệ của các em với bố mẹ sẽ thông qua thầy cô hoặc cán sự lớp.

Còn ở TP HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo không đưa ra khuyến cáo chung nhưng nhiều trường đã quản lý chặt hơn việc dùng điện thoại của học sinh như THPT Nguyễn Thượng Hiền, Trường Chinh, Thạnh Lộc, THCS Nguyễn Thái Bình, Lê Văn Tám... Ở các trường này, học sinh không được dùng điện thoại trong khuôn viên trường, kể cả giờ ra chơi.

Thầy Lương Văn Định, Hiệu trưởng trường THPT Thạnh Lộc, TP HCM, cho biết lúc đầu nhiều học sinh không đồng tình, tỏ ra khó chịu. Sau hai tháng, các em dần quen nề nếp, trò chuyện, vui chơi thay vì cắm cúi với chiếc điện thoại.

Các trường cho hay đều ghi nhận sự chuyển biến tích cực của phía học sinh sau yêu cầu không dùng điện thoại suốt buổi học. Các em tập trung trong giờ học hơn, xuống sân chơi và giao lưu nhiều hơn, trong khi trước đây hầu hết "dán mắt" vào màn hình.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết việc quản lý sử dụng điện thoại của học sinh hiện được thực hiện theo thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, học sinh không được sử dụng điện thoại di động trong lớp nếu không phục vụ cho việc học và không được giáo viên cho phép. Còn lại sẽ phụ thuộc vào nội quy, quy định riêng của từng trường.

"Việc tùy tiện sử dụng điện thoại di động trong giờ học khiến học sinh mất tập trung, khó tiếp thu bài giảng", ông Minh nói. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu khai thác các tính năng tương tác, tìm kiếm dữ liệu một cách tích cực với sự hướng dẫn của thầy cô, đây sẽ là một công cụ hữu ích, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.

Học sinh THCS Lê Văn Tám, TP HCM, dùng điện thoại của trường để liên hệ với bố mẹ. Ảnh: Sơn Ca

Năm 2023, nghiên cứu của UNESCO ở 14 quốc gia cho thấy điện thoại thông minh khiến học sinh mất tập trung vào việc học. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng học sinh có thể mất tới 20 phút để tập trung lại vào những gì đang học sau khi bị phân tâm vì sử dụng thiết bị này. Việc sử dụng điện thoại di động quá mức cũng tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em.

UNESCO kêu gọi cấm học sinh dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng. Nhiều quốc gia như Pháp, Hy Lạp, Hungari, Đan Mạch gần đây đã có động thái thắt chặt việc này.

Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020