Chuyên mục  


Những ngày qua, hàng trăm giáo viên ở Hà Nội bức xúc, gửi đơn kiến nghị lên Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi bị trả hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ Hà Nội hôm 18/7, để được xét thăng hạng, giáo viên tiểu học, THCS hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ 9 năm trở lên. Thời gian giữ hạng III được tính từ lúc giáo viên đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Chuẩn này là giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, giáo viên tiểu học và THCS phải có bằng đại học, thay vì bằng trung cấp và cao đẳng như trước. Yêu cầu này được đưa ra theo quy định tại thông tư 08 về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên.

Chia sẻ với VnExpress tối 4/8, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết thực tế theo quy định, giáo viên không cần phải có bằng đại học đủ 9 năm mới được thăng hạng.

Thay vào đó, thời gian giữ hạng IV và III cũ (xét theo tiêu chuẩn cũ) được xác định tương đương với thời gian giữ hạng III mới, từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của cấp học.

"Giáo viên hạng III chỉ cần có đủ 9 năm giữ hạng này, không cần biết là theo tiêu chuẩn cũ hay mới, là đủ điều kiện để xét thăng hạng", ông Đức nói.

Như vậy, một giáo viên THCS có bằng cao đẳng, đạt chuẩn giáo viên hạng III từ năm 2013, đến năm 2020 lấy bằng đại học và được công nhận đạt chuẩn giáo viên hạng III theo quy định mới. Tổng thời gian giữ hạng III đến nay là 10 năm sẽ đủ điều kiện về mặt thời gian để xét lên hạng II.

Giáo viên trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP HCM hướng dẫn học sinh lớp 1 trong buổi học ngày 22/8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Tương tự, giáo viên tiểu học, THCS hạng II cũ được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới khi có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự). Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này.

"Việc một số địa phương yêu cầu khoảng thời gian 9 năm này là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng", Bộ khẳng định.

Bên cạnh câu chuyện "có bằng đại học đủ 9 năm mới được thăng hạng", Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận được đề nghị của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Về việc này, Bộ cho biết việc tổ chức thăng hạng bằng hình thức thi hay xét là lựa chọn của địa phương, theo đúng quy định của pháp luật. Bộ không có thẩm quyền đề nghị địa phương thống nhất theo một hình thức.

Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng là có căn cứ. Hiện, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ để bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản trả lời nhất trí với đề xuất này khi được Bộ Nội vụ lấy ý kiến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng.

Bảng lương giáo viên trước và sau 1/7.

Theo các thông tư về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập, giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III, trong đó hạng I cao nhất. Tương ứng với từng hạng lại có nhiều bậc lương, thông thường cứ ba năm công tác, giáo viên được tăng một bậc.

Hiện lương giáo viên hạng III dao động 4,2-8,9 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, lương giáo viên hạng II là 7,2-11,5 triệu. Ngoài ra, giáo viên được hưởng một số khoản phụ cấp, tính trên lương hiện hưởng.

Dương Tâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020