Sáng 1/8, ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ký quyết định giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định 116/2020 cho trường Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.
Theo đó, trường Đại học Hồng Đức được giao 135 chỉ tiêu bậc đại học cho 5 khối ngành sư phạm gồm Mầm non, Tiểu học, Tin học, Tiếng Anh và Sư phạm Khoa học tự nhiên. Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa được giao 65 chỉ tiêu cho ngành Mầm non, Tiểu học, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Con số này thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh mà hai trường này đã công bố trước đó (1.700).
Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nằm gần nhau ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá. Ảnh: Lê Hoàng
PGS.TS Đậu Bá Thìn, Phó hiệu trưởng Đại học Hồng Đức, nói cho biết nhận được quyết định giao chỉ tiêu từ UBND tỉnh. Trường đang rà soát số thí sinh đăng ký vào các ngành được giao chỉ tiêu để xét tuyển theo quy trình của Bộ. Theo ông Thìn, sau khi sinh viên nhập học đợt một (dự kiến đầu tháng 9), nhà trường sẽ tuyển bổ sung nếu cần thiết.
Về chỉ tiêu được giao rất thấp so với kế hoạch ban đầu (hơn 1.000), ông Thìn nói "phải lựa cơm gắp mắm".
"Không còn cách nào khác bởi việc này liên quan vấn đề kinh phí đào tạo", ông Thìn cho biết.
Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng đang điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh tương tự.
Động thái này của tỉnh Thanh Hóa diễn ra hai ngày sau khi hai trường nói trên đột ngột thông báo dừng tuyển sinh hệ sư phạm.
Sáng 30/7, gần 1.400 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm ở trường Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa bất ngờ nhận được "thông báo hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng" từ bộ phận tuyển sinh. Trong khi đó, hạn chót của việc này là 17h ngày 30/7, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nguyên nhân là hai trường này chưa được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định số 116 của Chính phủ.
Theo Nghị định này, các tỉnh sẽ căn cứ nhu cầu giáo viên để bố trí ngân sách giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với trường đào tạo sư phạm. Sinh viên được địa phương chi trả học phí và sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng một tháng. Các em không phải bồi hoàn nếu làm trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp, không bị ràng buộc về địa điểm làm việc.
Đây là vướng mắc khiến gần 40/63 địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên hồi đầu năm học 2022, trong khi tỉnh nào cũng kêu thiếu người. Thanh Hóa và Hà Nội là hai địa phương thiếu nhiều nhất - trên 10.000 người.
"Các tỉnh bỏ tiền đầu tư cho sinh viên, nhưng lại không có quyền đảm bảo em đó về địa phương làm việc. Đây là lý do các tỉnh dè dặt trong việc đặt hàng", hiệu trưởng một trường đào tạo sư phạm trả lời VnExpress hồi cuối năm ngoái.
Trước mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đào tạo giáo viên như Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Sư phạm Hà Nội 2, Đại học An Giang cũng bị cắt giảm chỉ tiêu vì lý do "không có đặt hàng". Trong số này, có trường bị giảm tới 65% chỉ tiêu dự kiến.
Lê Hoàng