Vì sao trẻ lại muốn bắt nạt trẻ khác?
Có không ít người cho rằng, nguyên nhân trẻ muốn bắt nạt một đứa trẻ khác thường là do trẻ muốn bản thân mình có sức ảnh hưởng và vượt trội hơn người khác.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn cho biết, những đứa trẻ đi bắt nạt người khác thường là những đứa trẻ đã hoặc từng chịu bắt nạt, tổn thương, đe doạ, bạo lực về thể xác lẫn tinh thần.
Những đứa trẻ đó có thể đã phải trải qua cảm giác bất lực với gia đình, thầy cô hoặc bạn bè nên muốn đẩy cảm xúc “tiêu cực” lên người khác và đối tượng được lựa chọn thường là những đứa trẻ “yếu đuối” hơn chúng.
Chuyên gia tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn hiện đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc.
Theo kết quả thống kê , có không ít đứa trẻ “đi bắt nạt” cho biết, việc làm người khác xấu hổ, sợ hãi khiến chúng cảm thấy ổn hơn trong thời gian ngắn. Chính vì thời gian ngắn, nên chúng thường lặp đi lặp lại hành động bắt nạt này để giải toả cảm xúc và tìm kiếm cảm giác mình có sức ảnh hưởng. Như vậy có thể thấy, những đứa trẻ muốn làm tổn thương người khác thường cũng đang phải chịu những tổn thương về tâm lý tương tự. Đây là điều mà không phải ai cũng biết và thực sự thấu hiểu.
Chính vì vậy, chuyên gia tâm lý cho biết, nếu phát hiện trẻ bị bắt nạt, thay vì ngay lập tức phản ứng bằng cách “tố giác” kẻ bắt nạt, dạy con đánh lại hay dạy con nhường nhịn với lý lẽ “một điều nhịn, chín điều lành”. Cha mẹ thông minh thường lựa chọn cách hành xử khác khéo léo, hợp tình hợp lý, vừa giúp con giải quyết triệt để vấn đề, vừa hướng dẫn con cách phòng ngừa để mình không trở thành “mục tiêu của kẻ bắt nạt”.
Khi biết con bị bắt nạt, cha mẹ thường có 3 phản ứng là hướng dẫn con chống trả, nhắc nhở con tránh xa kẻ bắt nạt và cha mẹ tự chủ động liên hệ với giáo viên sau đó giải quyết cùng phụ huynh của “kẻ bắt nạt”. Tuy nhiên cả 3 cách này đều có nhiều mặt hạn chế, theo đó chuyên gia Lý Mai Cẩn đã chỉ ra 4 việc cha mẹ nên làm khi phát hiện con bị bắt nạt như sau:
1. Dạy con biết những hành vi như thế nào được cho là “bắt nạt”
Có rất nhiều đứa trẻ vì độ tuổi còn nhỏ nên chưa thể hiểu được như thế nào là “bắt nạt”, chính vì không hiểu nên các con không biết làm gì để ứng phó và xử lý khi mình rơi vào trường hợp như vậy.
Do đó, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu như thế nào là hành vi “bắt nạt”. Bắt đầu từ những việc đơn giản như cố tình không hoan nghênh, cô lập không cho con chơi cùng, cho tới những lời nói xấu, mắng chửi và tiếp đó là những hành động như cướp đồ, đòi bánh kẹo, tiền bạc... Những hành vi cố ý nhằm mục đích công kích khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ đều là hành vi bắt nạt.
Ảnh minh hoạ.
Tiếp đó, cha mẹ cần đảm bảo dạy cho con hiểu rằng, những hành vi này là sai trái, cha mẹ và thầy cô luôn phản đối hành vi xấu này.
2. Dạy con việc bị bắt nạt không phải chuyện xấu hổ cần giấu giếm
Sau khi dạy trẻ cách phân biệt hành vi nào là bắt nạt, cha mẹ cần cho con hiểu rằng, việc sợ bị bắt nạt không hề xấu hổ. Thậm chí, trong một số trường hợp cha mẹ nên dạy con việc bỏ chạy để giữ an toàn còn quan trọng hơn giữ thể diện nếu tình huống bắt nạt có chiều hướng leo thang. Đồng thời, cha mẹ cần dạy con cách đảm bảo an toàn bản thân bằng cách kịp thời nói cho cha mẹ hoặc giáo viên để được can thiệp kịp thời.
3. Chỉ dẫn cho con hiểu tâm lý thật sự của những “kẻ bắt nạt”
Sau khi cho con biết rằng, hành vi bắt nạt là hành vi xấu, cha mẹ cần chỉ dẫn cho con hiểu tâm lý thật sự của những “kẻ bắt nạt”. Như chuyên gia tâm lý phân tích ở trên, những đứa trẻ có xu hướng bắt nạt người khác yếu hơn mình thực chất cũng là những đứa trẻ đã hoặc từng gặp vấn đề tương tự. Chính vì vậy, khi cha mẹ để trẻ hiểu được vấn đề này sẽ giúp con có phần nào sự đồng cảm với chính “kẻ bắt nạt”. Khi đó, con sẽ không còn hoặc giảm bớt đi cảm giác sợ hãi đối với “kẻ bắt nạt”.
4. Dạy con cách tự tin xử lý dứt khoát những “kẻ bắt nạt”
Sau khi cho con biết rằng hành vi bắt nạt là sai trái, đồng thời giúp con không còn hoặc giảm bớt sự sợ hãi. Cha mẹ cần dạy con sự tự tin, dũng cảm đối đầu một cách thông minh với “kẻ bắt nạt”. Thay vì sợ hãi, lo lắng, hãy dạy con cách ứng xử tôn trọng nhưng không kém phần quyết liệt với kẻ bắt nạt mình.
Ảnh minh hoạ.
Cha mẹ hãy dạy con nói “không” khi bị yêu cầu vô lý, hoặc dạy con tự tin nói rằng: “Cậu đang bắt nạt tớ, hành vi này là sai, cha mẹ và thầy cô sẽ bảo vệ và đứng về phía tớ nếu như sự việc này được công khai. Vì vậy hãy dừng những hành động xấu của cậu lại trước khi mọi việc tồi tệ hơn”. Cách con tự tin, xử lý tình huống thông minh, khéo léo mà vẫn giữ thể diện cho cả 2 bên sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất với trường hợp này.
Bên cạnh 4 việc kể trên, cha mẹ cũng cần dạy con cách phòng ngừa để mình không rơi vào tầm ngắm của những kẻ bắt nạt bằng cách nâng cao thể lực, nâng cao sức khoẻ tinh thần, đồng thời luôn tự tin vào bản thân, sẵn sàng dũng cảm đối đầu trong một số trường hợp.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy con cần lên tiếng khi phát hiện ra những hành vi bắt nạt xung quanh mình. Việc dũng cảm đứng ra bảo vệ những người bị bắt nạt giúp con hiểu được giá trị của việc giúp đỡ người khác.
Mong rằng sau bài chia sẻ này, các bậc phụ huynh có cho mình những góc nhìn mới về vấn đề "bắt nạt" và có cách chỉ dẫn con sao cho phù hợp nhất có thể nếu rơi vào trường hợp này.
https://soha.vn/giao-su-tam-ly-noi-tieng-4-viec-cha-me-thong-minh-nen-lam-khi-biet-con-bi-bat-nat-20220718181115263.htm