Chuyên mục  


Sáng 28/6, hơn một triệu thí sinh hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Đề dài một mặt giấy, gồm hai phần Đọc hiểu và Làm văn.

Trong đó, phần Đọc hiểu sử dụng ngữ liệu là đoạn trích trong bài thơ "Đi qua cơn giông", sau đó yêu cầu thí sinh xác định thể thơ; chỉ ra từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè; nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh; rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân dựa vào suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình".

Phần Làm văn có hai câu hỏi. Câu 2 điểm yêu cầu thí sinh viết đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống, dựa vào đoạn trích ở phần Đọc hiểu. Câu hỏi 5 điểm đưa ra đoạn trích thuộc phần cuối truyện ngắn "Vợ nhặt" của tác giả Kim Lân. Đề thi yêu cầu thí sinh phân tích đoạn trích, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của tác giả.

Xem đề thi, gợi ý đáp án môn Ngữ văn

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, nhận xét đề thi có sự ổn định, giữ cấu trúc từ năm 2017 tới nay. Điều này tạo cảm giác yên tâm cho một số lượng thí sinh nhất định, đặc biệt là những em chỉ dùng điểm Ngữ văn để xét công nhận tốt nghiệp.

Song, sự lặp lại của đề không chỉ nằm ở cấu trúc, dạng câu hỏi, mà còn xuất hiện trong từng yêu cầu. Cô Tuyết lấy ví dụ với phần Đọc hiểu, đề thi năm 2023 và 2022 đều sử dụng ngữ liệu là một đoạn thơ. Các yêu cầu lần lượt là xác định thể thơ, nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh, sau đó chia sẻ quan điểm về một suy ngẫm của tác giả.

"Tính ổn định có thể đưa đến sự trùng lặp, thiếu đột phá, bất ngờ nên ít nhiều làm giảm hứng thú cho thí sinh khi làm bài", cô Tuyết nói.

Thầy Nguyễn Hữu Nhưỡng, giáo viên trường THPT Giồng Ông Tố, TP HCM, cho rằng ngữ liệu câu Nghị luận văn học là một điểm "gợn" trong đề thi năm nay. Theo thầy Nhưỡng, ngữ liệu quá ngắn, cũng không đáp ứng được những chủ đề tư tưởng của tác phẩm "Vợ nhặt". Do đó, thí sinh không có nhiều thứ để viết cho câu hỏi phụ về cách nhìn cuộc sống của tác giả.

"Đề thi cũ kỹ với cách hỏi, đặt vấn đề như hàng chục năm nay. Yêu cầu phân tích tác phẩm và cách nhìn cuộc sống của nhà văn đặt học sinh thế kỷ 21 quay ngược về quá khứ, gồng mình để hiểu lăng kính, cách nhìn cuộc đời của một người khác. Thí sinh không được thể hiện góc nhìn, quan điểm của mình", thầy Nhưỡng nói, thêm rằng đề thi thiếu hơi thở thời đại để khơi gợi hứng thú làm bài của thí sinh.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM, nhận định đây là đề thi ở mức chấp nhận được, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp. Đây là đề thi tốt nghiệp theo chương trình cũ, áp dụng với học sinh cả nước.

"Chúng ta đều mong một đề thi hay, sáng tạo và mới mẻ. Nhưng chênh lệch trình độ ở mỗi vùng miễn mỗi khác. Do đó, ban ra đề có lẽ vẫn chưa mạnh dạn thoát ra khỏi vùng an toàn", thầy Đức Anh nói.

Thí sinh TP HCM nói chuyện trong buổi làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT, chiều 27/6. Ảnh: Quỳnh Trần

Có góc nhìn khác, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng đề thi năm nay phân hóa tốt khi có câu hỏi khó trải đều trong cả hai phần Đọc hiểu và Làm văn. Chẳng hạn câu hỏi yêu cầu tìm từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè, học sinh phải hiểu rõ thế nào là giông mới có thể trả lời đầy đủ. Tương tự tại câu Nghị luận văn học, phân tích đoạn trích không khó, nhưng để làm kỹ và đáp ứng mọi yêu cầu của đề thì "đòi hỏi khả năng liên hệ, mở rộng cao", theo thầy Khôi.

"Đề năm nay tốt vì xác định rõ ràng, hướng đến đối tượng phù hợp, độ phân hóa đảm bảo, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp và làm cơ sở tuyển sinh đại học", ông nói.

Ông cũng nhận định đề thi Văn có tính ổn định trong 6 năm qua xuất phát từ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ nhiều lần nhấn mạnh việc giữ ổn định mô hình, cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT, nhằm phù hợp với chương trình phổ thông hiện hành, kéo dài tới hết năm 2024. Việc này để tránh gây xáo trộn, tạo thêm áp lực cho học sinh trong những năm cuối cấp. Do đó, mỗi năm Bộ đều công bố đề tham khảo để giáo viên có định hướng ôn tập cho học sinh, các em cũng có cơ sở để bổ sung kiến thức.

"Đề thi chính thức có cấu trúc giống đề tham khảo đã công bố là tất yếu. Tôi cho rằng việc đề thi Văn được giữ ổn định trong 6 năm qua không phải hạn chế mà là kết quả từ một chủ trương lâu dài, hợp lý", thầy Khôi nói.

Thí sinh Hà Nội vui vẻ sau buổi thi Văn, sáng 28/6. Ảnh: Giang Huy

Các nhà giáo đều nhận định đề thi Văn sẽ thay đổi mạnh từ năm 2025 để phù hợp với chương trình mới.

Thầy Khôi mong đề thi theo chương trình mới vẫn gồm hai phần Đọc và Viết, nhưng chỉ cần sử dụng một ngữ liệu cho cả hai; có thể dùng thêm hình thức trắc nghiệm bên cạnh tự luận.

Cô Thu Tuyết hy vọng học sinh học chương trình mới sẽ thử sức với các ngữ liệu văn học nằm ngoài sách giáo khoa, giúp các em tự khám phá và cảm nhận, phát huy những kỹ năng đã được rèn luyện trong cả cấp học. Với câu Nghị luận xã hội, cô mong đề thi sẽ dành cho thí sinh không gian và quyền bộc lộ quan điểm, chính kiến riêng.

"Mọi thay đổi đều sẽ chứa đựng thử thách khó khăn, và đều phải chấp nhận sự trái chiều của dư luận", cô Tuyết nói.

Thanh Hằng - Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020