Chuyên mục  


Chắc hẳn nhiều người đã nhìn thấy hình ảnh của mình trong đây: Nếu bạn đang dự định làm việc gì đó và vô tình bị cha mẹ nhắc nhở, thay vì tiếp tục, bạn sẽ lập tức cảm thấy khó chịu và không muốn làm việc đó nữa.

Đây chính là một hiệu ứng tâm lý, do nhà tâm lý học Jack Brehm nghiên cứu và đặt tên “Phản kháng” (reactance) vào năm 1966.

Hiệu ứng này xuất hiện là do sự phản ứng của não bộ khi sự tự do bị đe dọa lúc ai đó gợi ý hay yêu cầu chúng ta làm một việc gì đó. Khi sự phản kháng xảy ra trong tâm trí, ngay lập tức chúng ta sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, giận dữ và gây hấn với người đó. Trẻ em – nhất là những đứa trẻ vị thành niên có xu hướng “phản kháng” mạnh mẽ hơn.

Từ hiệu ứng tâm lý trên, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đã ứng dụng vào phương pháp giáo dục con kiểu “cha mẹ lười” và chia sẻ trên trang Sohu của Trung Quốc. Kết quả, phương pháp này nhận được nhiều phản hồi tích cực của phụ huynh. Theo đó, cha mẹ hãy “lười” ở 4 điểm sau:

Cha mẹ hãy “lười” cằn nhằn

Cho dù là trẻ em hay bất cứ ai cũng không thích việc bị người khác nhắc nhở một cách dai dẳng, đến mức cằn nhằn, nhất là khi bản thân chúng đã nhớ được điều mình cần làm.

Nếu cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ thường xuyên theo sát con, sẽ khiến chúng cảm thấy khó chịu và phản ứng ngược.

Một phụ huynh chia sẻ rằng, con họ đã tỏ ý cáu gắt khi cha mẹ nhắc nhở quá nhiều lần trong ngày: “Trên lớp, cô giáo phải nhắc lại những ý chính trong bài để tụi con nhớ là điều cần thiết. Nhưng ở nhà, con phải nghe mẹ lặp đi lặp lại một chuyện đơn giản khiến con cảm thấy khó chịu, vì giống như mẹ đang cằn nhằn”.

Ảnh minh họa

Cha mẹ không chỉ là “cha mẹ”, mà còn là những người “bạn” thân thiết nhất của con. Điều mà đứa trẻ mong muốn chính là sự đối xử dịu dàng, nhẹ nhàng chứ không phải những lời rao giảng.

Đối với những đứa trẻ có thể gọi là “già trước tuổi”, bạn không nên nói quá nhiều, trẻ sẽ âm thầm nỗ lực làm việc để tạo bất ngờ cho cha mẹ.

Cha mẹ hãy “lười” thúc giục

Trong tình hình học trực tuyến tại nhà để ứng phó với dịch bệnh Covid hiện nay, nhiều phụ huynh liên tục thúc giục con học bài và làm bài tập, nhắc nhở con giờ thức dậy, giờ học, giờ làm bài,… Có lẽ, đối với trẻ tiểu học đây là điều bình thường, nhưng những đứa trẻ lớn hơn sẽ cảm thấy phiền phức.

Ảnh minh họa

Trẻ học cấp 2 trở lên cảm thấy mình đã trưởng thành, việc học là của riêng chúng và chúng không cần cha mẹ phải nhắc nhở. Đây thực chất là biểu hiện của đứa trẻ có suy nghĩ chín chắn và ý thức độc lập mạnh mẽ. Cha mẹ hãy “lười” lo lắng quá mức, để con tự giác thực hiện và làm chủ mọi thứ.

Trẻ em độ tuổi này có một nguồn năng lượng tuyệt vời và chúng muốn chứng tỏ bản thân mình, thay vì chịu sự thúc giục của người khác. Đứa trẻ nào càng không muốn phụ thuộc vào cha mẹ, chúng càng có ý thức tự lập cao, khi lớn mới có thể làm nên điều vĩ đại.

Cha mẹ hãy “lười” bảo vệ con trong 1 số trường hợp

Trong quá trình trưởng thành, trẻ không thể tránh khỏi những va chạm. Lúc này, chúng cần được cha mẹ bảo vệ. Nhưng trong một số trường hợp, cha mẹ không nên bảo vệ quá mức. Nếu cứ theo sát con từ sáng đến tối, “lẽo đẽo” theo chân con thì chúng sẽ rụt rè và ỷ lại. Hơn nữa, phụ huynh sẽ cảm thấy áp lực vì quá tải, vô tình vướng vào “mớ hỗn độn” từ công việc đến con gái.

Ví dụ, khi trẻ tập đi xe đạp, học trượt patin và các hoạt động thể chất khác, bạn có thể nói cho con biết những điều cần phải làm để tránh bị thương. Việc giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho con là vô cùng cần thiết, như cách nhận biết một tình huống xấu, không chạm vào đồ vật nguy hiểm,…

Ảnh minh họa

Điều quan trọng, hãy khuyến khích con trẻ tự đứng dậy sau mỗi lần tự té ngã, không nên thấy trẻ vì khóc lóc mà cha mẹ vội vàng đỡ con dậy. Khi con tự đứng lên, dần dần sẽ hình thành tâm lý vững vàng, giúp con biết đối mặt với khó khăn và tìm cách vượt qua thử thách.

Cha mẹ hãy “lười” hỏi chuyện một cách thường xuyên

Nhiều đứa trẻ không thích bị cha mẹ hỏi han quá nhiều, hỏi chuyện “đông tây”, chuyện bạn bè của chúng như thế nào, sau đó so sánh cuộc sống của chúng với bạn bè. Điều đó chỉ cho thấy phụ huynh là người tò mò, thích “buôn chuyện”. Tốt nhất, hãy để con tâm sự một cách tự nhiên.

Ảnh minh họa

Cha mẹ muốn hỏi thăm tình trạng học tập của con, trước khi bắt đầu hãy “thăm dò” biểu hiện của trẻ. Nếu chúng cởi mở, bạn có thể khéo léo “thâm nhập” vào câu chuyện của con. Nếu nhận thấy con có vẻ khó chịu và không muốn nói, hãy tôn trọng, tìm lúc thích hợp khác và tránh dùng thái độ tra khảo.

Các phương pháp này tưởng chừng như cha mẹ không biết làm gì hoặc lười biếng, thực ra lại mang tính tôn trọng, tin tưởng để trẻ phát huy tính chủ động tự giác của mình. Không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể có mặt tức thời để bảo vệ con, cũng không phải lúc nào con lớn lên dưới sự kèm cặp sát sao của cha mẹ cũng là một điều tốt.

Theo Sohu

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020