Ngày 9/4 vừa qua, bên lề kỳ họp thứ 8 của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ xem xét phương án vừa xét tuyển vừa thi tuyển để đảm bảo quyền lợi cho những giáo viên hợp đồng lâu năm, có kinh nghiệm và chuyên môn tốt tại Sóc Sơn, Đông Anh, Mỹ Đức, Ba Vì…
Tuy nhiên, 2 tháng đã trôi qua mà chưa có câu trả lời chính thức nào. Đến nay, hàng trăm giáo viên vẫn chờ đợi phương án cụ thể từ thành phố.
Hàng trăm giáo viên kêu cứu sau 2 tháng mòn mỏi chờ một quyết định của thành phố
Ngày 4/6, hàng trăm giáo viên hợp đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có mặt tại trụ sở địa điểm tiếp công dân của UBND TP Hà Nội để giải quyết việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng từ ngày 31/5/2019, các điều kiện xét tuyển viên chức theo Nghị định Nghị định 29/2012/NĐ-CP cũng như nhiều vấn đề liên quan đến chế độ lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) của giáo viên.
“Tôi đã đi xin rất nhiều việc nhưng không ai nhận”
Cô Đặng Thị Ngọc, giáo viên Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Hương Sơn B, huyện Mỹ Đức, cho biết năm 1996 cô bắt đầu được phân công đi dạy với mức lương 150.000 đồng/tháng. Sau 23 năm công tác, đến nay mức lương cũng chỉ vỏn vẹn 1.210.000 đồng/tháng.
Cô Ngọc cũng như nhiều giáo viên hợp đồng tại Mỹ Đức khẳng định dù đã làm việc hàng chục năm qua nhưng họ chưa ngày nào được hưởng BHXH cũng như nhiều chế độ khác.
Huyện Mỹ Đức ký hợp đồng 3 tháng cho cả trăm giáo viên trong suốt hàng chục năm qua. Giáo viên chỉ biết “mỗi ngày hi vọng cơ chế sẽ thay đổi”. Nhưng đến giờ phút này, cô Ngọc cho biết, mình đã phải nhận “trái đắng”.
“Chúng tôi vẫn mòn mỏi chờ đợi. Mất việc, liệu chúng tôi sẽ về đâu khi đã làm trong ngành giáo dục hàng chục năm?”, cô Ngọc nói.
Cô giáo Lê Thị Xuân, giáo viên Trường Tiểu học An Phú, huyện Mỹ Đức
Cô giáo Lê Thị Xuân, giáo viên Trường Tiểu học An Phú, huyện Mỹ Đức, buồn bã cho biết mình cũng như nhiều giáo viên khác đang đứng trước nguy cơ mất việc vì bị chấm dứt hợp đồng. Nhiều năm nay, cô Xuân cũng như nhiều giáo viên hợp đồng Mỹ Đức vẫn đang “sống mòn” với mức lương “kịch trần” là hơn 1.200.000 đồng/tháng và không được đóng BHXH.
"Tôi rất yêu nghề, gắn bó với nghề vì niềm hy vọng tương lai sẽ cải thiện hơn. Giờ đây, giáo viên chúng tôi cũng đã nhiều tuổi. Nếu phải đột ngột chấm dứt hợp đồng, chúng tôi không còn biết bám víu vào đâu để sống. Vì vậy, chúng tôi vẫn mong một hướng giải quyết thấu tình đạt lý từ thành phố”.
Sau nhiều tháng hi vọng rồi thất vọng, cô Xuân quyết định lên Hà Nội tìm việc làm mới. “Tôi đã đi xin rất nhiều việc ở các công ty khác nhau nhưng đều không được nhận vì đã ngoài 40 tuổi. Tôi đành về lấy thêm 6 sào ruộng để cấy, còn buổi sáng thì đi chợ bán cua. Mấy ngày nắng cũng được năm chục một trăm nghìn, còn ngày mưa không “đi cân” được khéo “ăn cụt" cả vốn lẫn lời”.
Nhiều giáo viên “kêu cứu” trước nguy cơ mất việc
Cô giáo Đặng Thị Nhung, giáo viên Trường THCS Xuân Thu, Sóc Sơn, thì cho biết: "Nếu tinh giảm biên chế, là giáo viên hợp đồng, chúng tôi vẫn phải chấp nhận. Nhưng thực tế, nhiều huyện "việc lấy vào vẫn cứ lấy vào, việc thải ra vẫn cứ thải ra", và các huyện vẫn đang thiếu nhiều vị trí giảng dạy”.
Hầu hết giáo viên cho rằng lãnh đạo đã “bỏ quên” họ.
Cô Hoàng Thị Hải Anh, giáo viên Trường THCS Minh Quang, Ba Vì, cho biết: “Mặc dù đã 2 lần dự thi, điểm cũng nằm trong top đầu nhưng vì lý do nào đó, tôi lại không được lựa chọn. Tôi từng suy nghĩ rất nhiều đến việc mình có nên tiếp tục đăng ký hay chấp nhận dừng lại. Thất bại nhiều khiến tôi cảm thấy sợ hãi”.
Bản thân cô Hải Anh cảm thấy xấu hổ và không dám chia sẻ mức lương chỉ hơn 1,3 triệu đồng/tháng với đồng nghiệp nơi khác.
“Mặc dù cấp trên nói sẽ có văn bản trả lời trước ngày 15/5 nhưng tới nay vẫn chưa có bất kỳ hồi âm nào được đưa ra. Nhiều giáo viên sắp về hưu, có kinh nghiệm và thành tích cũng đang đứng trước nguy cơ mất việc. Tại sao các cấp lãnh đạo có thể bỏ quên cả một thế hệ giáo viên như vậy?", cô Hải Anh đặt câu hỏi.