Chuyên mục  


Đi bộ trong khuôn viên Học viện Hành chính Quốc gia, Công Bách khiến nhiều sinh viên khác chú ý bởi dáng người nhỏ bé. Chàng trai quê Bắc Ninh, cao 1,34 m, nặng 27,5 kg, chưa bằng chiều cao, cân nặng trung bình của một học sinh lớp 5, nói đã quen với ánh nhìn của mọi người.

"Có thầy cô, bạn bè nhầm tưởng em là học sinh tiểu học đến trường chơi", Bách kể.

Nguyễn Công Bách. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bách trúng tuyển ngành Kinh tế của Học viện Hành chính Quốc gia với 24,63 điểm tổ hợp A07 (Toán, Lịch sử, Địa lý). Ngày biết tin, em vỡ òa trong hạnh phúc.

Ông Trần Văn Nhiên, 65 tuổi, ông ngoại của Bách, chia sẻ dù vui suốt cả ngày hôm đó, Bách có chút lo lắng khi nghĩ tới chi phí học tập và sinh hoạt ở Hà Nội.

"Tôi động viên thiếu tiền ông cắt bớt đất bán lấy tiền cho đi học. Nó nghe xong mừng lắm", ông Nhiên nhớ lại.

Bố mẹ ly hôn năm ba tuổi, Bách sống với mẹ và ông bà ngoại trong căn nhà nhỏ ở thị xã Quế Võ. Thu nhập của cả nhà dựa vào vườn cà chua, rau quả.

Thấy Bách bé còi hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng ít ốm vặt, cả nhà không nghĩ đến bệnh tật. Những năm tiểu học, mẹ vài lần đưa Bách đi khám nhưng chỉ được chẩn đoán là thiếu canxi.

Dù uống bổ sung canxi, chiều cao và cân nặng của Bách vẫn không cải thiện. Mãi đến hè năm lớp 7, ra Hà Nội khám, cả nhà mới biết Bách bị suy tuyến yên, thiếu hormone tăng trưởng.

"Đó là giai đoạn rất khó khăn với em và gia đình", Bách nói.

Để chạy chữa cho Bách, mẹ và ông bà ngoại dồn hết tiền tiết kiệm, vay mượn, nhận hỗ trợ của người thân để mua thuốc. Ông Nhiên cho biết dù được bảo hiểm chi trả nhưng do sử dụng thuốc nhập ngoại theo chỉ định của bác sĩ, gia đình vẫn phải chi hơn 6 triệu đồng mỗi tháng. Còn Bách phải học cách tự tiêm cho bản thân vào mỗi tối.

Đến đầu năm lớp 11, thấy tiền thuốc thang tốn kém, mà cơ thể không phát triển được nhiều, Bách quyết định dừng điều trị. Sau đó chưa bao lâu, mẹ em gặp tai nạn qua đời.

"Em sốc và rất buồn", nam sinh chia sẻ. "Nhưng rồi nghĩ những gì đã xảy ra không thể thay đổi được. Em chỉ còn biết học để thay đổi số phận trong tương lai".

Công Bách (hàng đầu, bên phải) trong buổi sinh hoạt đầu khóa tại Học viện Hành chính Quốc gia. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Khi đăng ký xét tuyển đại học, Bách chọn ngành trước khi chọn trường. Em xác định học về kinh tế, kế toán, phần vì học toán khá tốt, phần vì nhìn nhận các công việc liên quan không yêu cầu cao về ngoại hình, sau này cơ hội xin việc có thể tốt hơn.

Vào học tại Học viện Hành chính Quốc gia được hơn một tháng, Bách nhanh chóng hòa nhập. Nam sinh thấy học đại học khác xa phổ thông, đòi hỏi tự học nhiều hơn nhưng thấy có thể theo được. Ngoài ra, Bách ứng tuyển vào ban đối ngoại, câu lạc bộ khoa Quản lý kinh tế của trường với mong muốn học hỏi thêm kỹ năng, kinh nghiệm từ các anh chị khóa trước.

Khó khăn nhất lúc này với Bách, là chi phí học tập. Sau khi mẹ mất, nhà nam sinh không còn được công nhận hộ nghèo do không có chủ hộ. Năm ngoái, Bách chưa đủ tuổi để đứng tên chủ hộ nên năm nay làm lại thủ tục này và đang chờ kết quả xét duyệt từ địa phương. Nếu được thông qua, Bách sẽ được miễn giảm học phí.

Hiện, nam sinh ở ký túc xá. Ngoài khoản 10 triệu đồng nộp cho trường đầu năm học, Bách ước tính mỗi tháng hết khoảng hai triệu đồng tiền ăn ở nên đang định làm thêm để ông bà ngoại đỡ gánh nặng.

"Trước mắt, em phấn đấu học tốt để giành học bổng của trường", Bách nói. Nam sinh dự kiến sau khi ra trường sẽ về xin việc ở quê để tiện chăm sóc ông bà.

chang-trai-ti-hon-vuot-nghich-canh-vao-dai-hoc-1729932385.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5rxLPlW-1djoSwBk1OQFBw
Chàng trai tí hon vượt nghịch cảnh vào đại học

Dương Tâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020