Chuyên mục  


dad5-250924-read-only-17272320126511942948528.jpg

Thoạt nhìn danh sách tác giả người nước ngoài từ Việt Nam này có thể thấy "lạ", nhưng thực ra đây là những cái tên khá quen thuộc trong giới hàn lâm với năng suất công bố quốc tế siêu hạng gắn với tên một số trường đại học.

4 tác giả cùng ghi 1 địa chỉ

Preecha Yupapin từng là trưởng nhóm nghiên cứu quang học tính toán của Trường đại học Tôn Đức Thắng từ 2016 đến 2021. Hiện tên của người này vẫn còn trên website của nhà trường.

Theo thống kê, giai đoạn 2000-2022, Preecha Yupapin đăng tới 658 bài báo, trong đó có khoảng 1/3, tức là hơn 200 bài, ghi địa chỉ Trường đại học Tôn Đức Thắng. Trong thời gian làm việc cho Trường đại học Tôn Đức Thắng, Preecha Yupapin cũng đăng bài ghi địa chỉ một số trường đại học của Thái Lan (King Mongkut's Institute of Technology Ladkrabang, Kasem Bundit University…).

Preecha Yupapin cũng đã đăng ít nhất 8 bài ghi địa chỉ Trường đại học Văn Lang, tất cả đều vào năm 2022, trong đó 4 bài Preecha Yupapin đứng tên tác giả liên hệ và 4 bài đứng tên tác giả đầu. Preecha Yupapin từng bị tạp chí Procedia Engineering thuộc Nhà xuất bản Elsevier gỡ bài vì đạo văn.

Iraj Sadegh Amiri có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu chủ trì giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh của Trường đại học Tôn Đức Thắng từ năm 2019 đến 2021. Theo thống kê, giai đoạn 2000-2022, Iraj Sadegh Amiri đăng tới 382 bài báo, trong đó có ít nhất 280 bài ghi địa chỉ Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Khoảng thời gian Amiri có tên trong danh sách nhân sự của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng là những năm xuất bản siêu năng suất của người này: 70 bài năm 2018, 104 bài năm 2019 và 71 bài năm 2020.

Ahmad Shafee chỉ mới công bố bài báo khoa học đầu tiên vào năm 2018 nhưng ngay lập tức trở thành tác giả siêu năng suất trong hai năm sau đó là 2019 và 2020 với lần lượt 62 và 70 bài/năm. Trong tổng số gần 200 bài báo đã công bố của Ahmad Shafee, có hơn 70 bài ghi địa chỉ Trường đại học Duy Tân, đăng trong 3 năm 2020-2022, dù người này chưa từng có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu của trường.

Trong thời gian đăng bài cho Trường đại học Duy Tân, Ahmad Shafee cũng có nhiều bài ghi địa chỉ Trường đại học Tôn Đức Thắng dù không thuộc biên chế của trường này. Cũng trong thời gian này, Ahmad Shafee còn đăng bài ghi địa chỉ các trường ở Malaysia và Kuwait.

Hossein Moayedi là một trong các tác giả ghi địa chỉ Việt Nam (Trường đại học Duy Tân) xuất hiện trong bảng xếp hạng "nhà khoa học hàng đầu thế giới" của Research.com mà Tuổi Trẻ đã phản ánh trong bài "Bảng xếp hạng "nhà khoa học hàng đầu thế giới": Quá bát nháo" (Tuổi Trẻ ngày 3-6-2024).

Theo thống kê, Hossein Moayedi đã đăng hơn 160 bài cho Trường đại học Duy Tân dù không có tên trong danh sách nhân sự của trường này. Rất khó xác định Hossein Moayedi thực sự làm việc ở đâu do địa chỉ trong các bài báo của tác giả này thay đổi liên tục trong cùng một khoảng thời gian, có lúc ghi Trường đại học Duy Tân, lúc khác lại ghi Trường đại học Tôn Đức Thắng hoặc các trường ở Iran, Malaysia. Các bài mới nhất của Hossein Moayedi đăng năm 2024 vẫn ghi địa chỉ Trường đại học Duy Tân.

Bảng thống kê các tác giả siêu năng suất *

1b43ad35ca7a44548e9380f9e9608198-17272320126461077638530.jpg

* Tác giả siêu năng suất (công bố ít nhất 73 bài/năm) hoặc gần siêu năng suất (công bố 61 đến 72 bài/năm), không bao gồm lĩnh vực vật lý.

"Chưa thể cung cấp thông tin"

Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Quý Hào - phụ trách ban truyền thông và quan hệ công chúng, Trường đại học Tôn Đức Thắng - cho biết: "Những trường hợp báo Tuổi Trẻ nêu trong các câu hỏi là các nhân sự có ký hợp đồng với nhà trường trước đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhân sự trên cũng như những người phụ trách liên quan công việc những nhân sự đó không còn làm việc tại trường. 

Nhà trường đang tiếp tục rà soát các nhân sự này và cần thêm thời gian để rà soát. Hiện nay, cơ quan chức năng có thẩm quyền đang làm việc với nhà trường về vấn đề này. Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tạm thời trường chưa thể cung cấp thông tin gì thêm".

Tương tự, Tuổi Trẻ cũng đã liên hệ với Trường đại học Duy Tân đồng thời gửi các câu hỏi liên quan đến nhà trường. Khi đó, một lãnh đạo trường cho biết: "Phòng khoa học công nghệ trường đang nghỉ hè, sau ngày 20-8 mới làm việc trở lại. Tôi sẽ chuyển cho bộ phận phụ trách".

Sau đó, chúng tôi tiếp tục liên hệ lại nhà trường nhưng đến nay vẫn không có thông tin phản hồi.

Tác giả siêu năng suất ngừng công bố bài báo

Trong số 5 tác giả siêu năng suất người nước ngoài ghi địa chỉ Việt Nam, hiện chỉ còn Hossein Moayedi đăng các bài báo mới nhất trong năm 2024 vẫn ghi địa chỉ Trường đại học Duy Tân.

Trong khi đó, sau khi ngừng đăng bài cho Trường đại học Duy Tân và Trường đại học Tôn Đức Thắng vào khoảng đầu năm 2021, một tác giả siêu năng suất khác là Ahmad Shafee chỉ còn công bố vài bài mỗi năm, ghi địa chỉ một trường ở Kuwait.

Tương tự, kể từ khi chấm dứt hợp đồng làm việc với Trường đại học Tôn Đức Thắng, Iraj Sadegh Amiri cũng ngừng công bố luôn. Hiện người này không còn đăng bài cho bất kỳ trường nào nữa mà chuyển sang làm tại Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California (CAL FIRE) ở Mỹ.

Hai trường đại học nợ tác giả siêu năng suất tiền tỉ?

Đầu tháng 8-2024, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ qua email, tác giả Preecha Yupapin cho biết: "Tôi đã về hưu. Từ năm ngoái, tôi không còn liên kết với trường nào. Tôi nghỉ làm cho Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) do hợp đồng của tôi với trường này kết thúc vào năm 2021 và do đại dịch COVID-19. TDTU không thanh toán tiền thưởng công bố cho tôi, số tiền lên tới cả tỉ đồng.

Tôi làm việc cho Trường đại học Văn Lang (VLU) theo hợp đồng bán thời gian kể từ khi nghỉ ở TDTU. Theo đó, tôi sẽ được nhận tiền thưởng công bố, nhưng hiện tại VLU chưa thanh toán số tiền này cho tôi, lên tới 1 tỉ đồng".

Trả lời Tuổi Trẻ, lãnh đạo Trường đại học Văn Lang khẳng định tác giả Preecha Yupapin chưa từng là nhân sự chính thức của VLU dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời cho biết trước đó Viện STAI của VLU có trao đổi với ông Preecha Yupapin về các điều kiện làm việc tại VLU với vị trí nghiên cứu viên. Tuy nhiên, VLU đã không ký hợp đồng tuyển dụng Yupapin và cũng không hợp tác với tác giả này dưới bất kỳ hình thức nào.

"Cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ thỏa thuận nào (miệng, email, văn bản) được trao đổi/thực hiện giữa Viện STAI, VLU và tác giả Preecha Yupapin. Tác giả này đã tự ý đưa tên VLU vào một số bài báo quốc tế. Việc Preecha Yupapin ghi địa chỉ email của VLU vào một số bài báo là do tác giả tự tạo vì nhà trường chưa từng cung cấp bất kỳ địa chỉ email chính danh nào của VLU cho người này.

Viện STAI chưa từng thống nhất về việc tuyển dụng cũng như kế hoạch triển khai các nghiên cứu với tác giả Preecha Yupapin. Do tác giả này không là nhân sự dưới bất kỳ hình thức nào của VLU nên trường không biết rõ thông tin về tất cả các bài báo khoa học tác giả ghi địa chỉ của VLU. Nhà trường không chi trả bất kỳ khoản thu nhập nào cho Preecha Yupapin", vị này khẳng định.

Về văn bản được cho là hợp đồng làm việc mà ông Preecha Yupapin cung cấp cho phóng viên Tuổi Trẻ, phía VLU khẳng định đây không phải là hợp đồng (mới chỉ là dự thảo đề xuất kế hoạch làm việc).

Theo quy trình tuyển dụng hiện tại, viện sẽ gửi trước mẫu kế hoạch làm việc cho ứng viên. Nếu đồng ý, ứng viên sẽ hoàn chỉnh kế hoạch làm việc, ký và gửi lại cho viện ký xác nhận (trường hợp này viện chưa ký xác nhận, mới chỉ có chữ ký của ông Yupapin). Sau đó, viện sẽ xem xét trình duyệt và đề xuất nhà trường ký hợp đồng. Trường hợp của ông Yupapin không được phê duyệt để ký hợp đồng.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020