Chuyên mục  


Hơn một triệu thí sinh sẽ thi môn Ngữ văn vào sáng 27/6. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hảo, trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, và cô Nguyễn Thị Lương, trường THPT Nghĩa Minh, Nam Định, đưa ra một số lưu ý để các em đạt điểm cao.

Phân bố thời gian hợp lý

Thời gian làm bài môn Ngữ văn là 120 phút, đề thi gồm hai phần: Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Ở phần Đọc hiểu, đề đưa ra ngữ liệu là một văn bản ngoài chương trình và 4 câu hỏi theo mức độ từ dễ đến khó. Phần Làm văn có hai câu: Câu 1 là bài Nghị luận xã hội khoảng 200 chữ; câu 2 yêu cầu học sinh viết bài Nghị luận văn học, dựa theo một đoạn trích đã học.

Không ít thí sinh tập trung viết bài Nghị luận văn học mà không chú ý đến hai câu còn lại. Ngược lại, nhiều em quá tập trung làm Đọc hiểu hoặc viết đoạn Nghị luận xã hội, đến lúc viết bài Nghị luận văn học thì sơ sài, thiếu ý.

"Thí sinh cần biết tiết chế kiến thức, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột", thầy Hảo lưu ý.

Thầy Hảo và cô Lương gợi ý học sinh dành 20-25 phút cho Đọc hiểu; 20 phút viết đoạn văn Nghị luận xã hội và khoảng 70 đến 80 phút để làm bài Nghị luận văn học.

Ngoài ra, thí sinh cần viết chữ rõ ràng, hạn chế gạch xóa; viết các ý thành từng đoạn theo đúng quy tắc trình bày đoạn văn, bài văn.

Cô Nguyễn Thị Lương (áo dài tím) và Trần Ngọc Đan Thanh (thứ hai từ phải sang) - thí sinh đạt điểm 10 Văn duy nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: fanpage trường THPT Nghĩa Minh

Trả lời đủ ý

Phần Đọc hiểu gồm 4 câu hỏi, được sắp xếp theo các mức độ, từ nhận biết đến thông hiểu và vận dụng. Lỗi mà thí sinh hay mắc là trả lời thiếu ý.

Theo thầy Hảo, hai câu hỏi đầu thường có 0,75 điểm mỗi câu; câu 3 được 1 điểm, còn câu 4 có 0,5 điểm. Câu 3 nhiều điểm nhất nên học sinh cần bám sát và dành nhiều thời gian hơn.

Từng nhiều năm ôn luyện và có học sinh đạt điểm 10 Văn duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cô Lương nhận thấy các em thường bị mất điểm ở câu 3 và câu 4 do viết sơ sài. Để khắc phục, cô khuyên thí sinh đọc kỹ câu hỏi, văn bản, gạch chân từ khóa; đặt câu văn, câu thơ trong ngữ cảnh để hiểu đúng nội dung. Thí sinh bám vào đó trả lời sẽ không bị sót ý.

Với câu Nghị luận xã hội, thầy Hảo thấy học sinh thường thiếu các thao tác nghị luận khi viết.

"Các em cần vận dụng đủ, gồm giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh...", thầy nói. "Ngoài ra, khi chốt lại vấn đề, học sinh phải đánh giá được vai trò của nó đối với đời sống, xã hội, rút ra bài học và hành động của bản thân".

Mở rộng ý khi viết bài Nghị luận văn học

Câu Nghị luận văn học thường trích tác phẩm thơ hoặc văn xuôi trong chương trình Ngữ văn lớp 12, với hai yêu cầu: phân tích đoạn trích và đưa ra vấn đề mở rộng.

Thầy Hảo gợi ý, ở mở bài và khái quát vấn đề khi vào thân bài, học sinh cần giới thiệu vị trí của tác giả trong nền văn học, phong cách của họ cũng như hoàn cảnh sáng tác, đại ý tác phẩm. Sau đó, thí sinh tập trung khai thác nội dung, giá trị tư tưởng và nghệ thuật của đoạn trích.

"Kết bài, các em đánh giá lại giá trị tác phẩm cũng như đoạn trích trong tổng thể", thầy Hảo nói.

Ngoài ra, thí sinh nên mở rộng, so sánh với tác phẩm khác để bài làm ấn tượng và có màu sắc riêng. Các em cũng có thể lồng thêm những nhận định lý luận văn học để bài được chặt chẽ.

Cô Lương còn có lưu ý khác là bài cần đủ ba phần: Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai vấn đề; Kết bài khái quát vấn đề. Học sinh nên vạch ý ngắn gọn ra giấy nháp trước khi viết bài.

Bình Minh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020