Chuyên mục  


Chiều 18/1, Bảo hồi hộp, không dám tra cứu điểm dù biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả thi học sinh giỏi quốc gia. Trái với lo lắng, nam sinh nhận tổng 15,7/20 điểm, đạt giải nhất môn tiếng Anh. Điểm từng kỹ năng là Đọc 6,7/8; Nói 1,4/2; Nghe và Viết cùng 3,8/5.

"Em không tin vào mắt mình", Bảo chia sẻ.

Trước đó, vì từng đạt giải ba năm lớp 10 và giải nhì năm lớp 11, Bảo quyết tâm giành giải nhất để hành trình thi học sinh giỏi của mình "có cái kết đẹp". Nam sinh bày tỏ mục tiêu này với thầy Hoàng Minh Thông, tổ phó tổ tiếng Anh trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, phụ trách đội tuyển tiếng Anh.

"Tôi rất xúc động, nhìn thấy sự trưởng thành rõ rệt ở Gia Bảo qua ba kỳ học sinh giỏi. Mỗi nội dung thầy cô hướng dẫn, Bảo luôn tự đào sâu thêm 3, 4 lần nữa. Đó là lý do tôi tin chắc em đạt giải cao", thầy nói.

Gia Bảo (giữa) trong buổi xuất quân của đội tuyển trường Phổ thông Năng khiếu, tháng 12/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gia Bảo yêu thích tiếng Anh từ thời tiểu học nhờ xem video về trò chơi Minecraft trên mạng. Nghe nhiều thành quen, Bảo học được một số từ vựng, đồng thời tập nói lại những gì mình nghe được.

"Lúc đó, em chỉ thấy vui vì học được từ mới và phát âm hay, sau này mới biết đây là shadowing - một phương pháp học nói tiếng Anh hiệu quả", nam sinh kể.

Hồi lớp 8, cậu trò trường THCS Đức Trí, quận 1, lần đầu tiên thi học sinh giỏi với sự khuyến khích của thầy cô tiếng Anh. Thi vòng cấp quận với tinh thần cọ xát nhưng Bảo ẵm ngay giải nhất, rồi một năm sau đạt giải nhì cấp thành phố.

Năm 2022, Gia Bảo trở thành thủ khoa thi lớp 10 của TP HCM với điểm Toán và Tiếng Anh tuyệt đối, đồng thời đỗ chuyên Anh ở Phổ thông Năng khiếu.

Từ khi vào đội tuyển, Bảo không còn học theo kiểu vững ngữ pháp, thuộc từ vựng, mà chuyển sang đọc hiểu sâu để mở rộng tri thức. Phương pháp này luôn là một phần chiến thuật ôn thi học sinh giỏi của Gia Bảo. Theo nam sinh, việc am hiểu các vấn đề xã hội rất cần thiết vì phần Viết và Nói của đề thi thường yêu cầu thí sinh bày tỏ ý kiến và phân tích các luận điểm liên quan.

Đọc hiểu sâu cũng giúp Gia Bảo rèn luyện đồng thời các kỹ năng lập cấu trúc, dùng từ và đặt câu khi viết luận. Bảo thường phân tích và luyện viết theo chủ đề trên báo tiếng Anh như The Guardian, CNN hay Reuters. Ngoài ra, em đọc sách chuyên khảo, văn bản khoa học nhiều chủ đề theo hướng dẫn của thầy cô, nhằm rèn kỹ năng sử dụng ngôn ngữ.

"Mục tiêu là để khi thi, dù vào chủ đề quen thuộc hay xa lạ, các em cũng biết cách rút ra các ý chính và lập luận, phản biện", thầy Thông cho biết.

Gia Bảo cũng làm nhiều đề, luyện nhuần nhuyễn các dạng bài. Tuy nhiên, năm nay, nội dung các môn thi lần đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nên có một số thay đổi. Nam sinh ví dụ phần Nghe từng có dạng True/False/Not given nhưng giờ đổi thành nối nhân vật với nội dung đã nói.

"Bài đó xuất hiện ngay trang đầu. Em hoảng luôn vì mới gặp 1, 2 lần trước đó", Bảo nhớ lại, nói đã nhanh chóng bình tĩnh và làm tốt bài thi.

Phan Nguyễn Gia Bảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở phần Đọc, nam sinh khá thích thú khi đề thi không hỏi nặng về từ vựng và ngữ pháp mà kiểm tra cách dùng ngôn ngữ.

"Hỏi như vậy để biết bạn có thực sự biết dùng ngôn ngữ đó không hay chỉ ghi nhớ một cách máy móc", Gia Bảo nhận định.

Kết thúc kỳ thi, nam sinh Phổ thông Năng khiếu trở lại với các môn học khác để chuẩn bị cho đợt xét tuyển đại học. Bảo cũng tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ du học ngành Quan hệ quốc tế.

Phương Anh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020