Giải thưởng này ra đời vào năm 2002 với mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng thông qua việc khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng, lan tỏa những hành động nhân văn và ươm mầm, hỗ trợ cho các em sinh viên triển vọng trên cả nước.
Phát biểu tại lễ trao giải, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA chia sẻ, việc đam mê nghiên cứu khoa học, phát triển bằng trí tuệ, dung nạp tri thức hàng ngày để có những sản phẩm có ích là cách làm giàu cho đất nước nhanh nhất, cũng là cách làm giàu cho bản thân nhanh nhất.
Trong 20 năm qua, giải thưởng KOVA mỗi ngày một đổi mới, không những đổi mới về hạng mục, đổi mới về cách đi tìm thông tin mà đổi mới cả cách xét chọn. Những cá nhân, tập thể được trao tặng giải thưởng đều là những người xứng đáng mà sự sáng tạo, những cống hiến của họ sẽ được phát huy trong thời gian tới.
Tuy nhiên, GS Doan khẳng định trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển của "xã hội số, gia đình số, dòng họ số, con người số", những người đã đạt được giải thưởng cũng phải đổi mới hơn nữa trong cách học, cách làm.
GS Doan trao giải hạng mục Kiến tạo cho TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng cộng sự với nghiên cứu thành phần và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chanh leo ở Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Liên).Theo đó, các nhà nghiên cứu, thầy cô, những người đang làm việc và sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cần có 3 năng lực cốt lõi. Thứ nhất là khả năng tự học, tự nghiên cứu theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ hai là kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, sử dụng các công cụ thông tin và sử dụng các kiến thức học trong nhà trường để làm việc. Đây là những yếu tố rất cần thiết, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
"Bác Hồ đã nói nếu không học là lùi, không học thì công việc sẽ gạt mình ra. Tới đây, giải thưởng KOVA cũng sẽ nâng cao tiêu chuẩn, dựa vào những năng lực đó của sinh viên và những người tham gia để xét giải", GS Doan cho hay.
Thứ ba là năng lực quan hệ công chúng. Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nếu như chúng ta không quan hệ công chúng tốt; chúng ta học giỏi nhưng không có mối liên hệ với thực tế, không giúp đỡ bạn bè, không chia sẻ với bạn bè thì sẽ khó thành công.
"Người ta đã chứng minh rằng thành công của bất cứ ai sẽ dựa vào 70-75% sức mạnh mềm. Sức mạnh đó nằm ở đam mê, quyết tâm, việc tự học, những mối quan hệ xã hội.
Vì vậy, các trường đại học hiện nay đã đổi mới phương pháp dạy học, không chỉ dạy trên giảng đường mà đã kết hợp giảng dạy trực tuyến, tăng cường hình thức làm việc nhóm, giao lưu và cá thể hóa việc học", GS Doan phân tích.
Do đó, từ năm tới, Ủy ban Giải thưởng KOVA trong sẽ chú trọng hơn các tiêu chí về kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tham gia các công việc của cộng đồng, đoàn thanh niên… trong tiêu chí chấm giải.
Năm 2022, Giải thưởng và Học bổng KOVA được trao cho 4 hạng mục.
Hạng mục Kiến tạo (dành cho những công trình nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng) trị giá 50 triệu đồng/giải trao cho 2 tập thể gồm:
- Nghiên cứu thiết bị đèn tảo lọc không khí, hấp thụ CO2, giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà do PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên, Viện KH&CN Môi trường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm, thực hiện cùng kỹ sư Nguyễn Quang Dũng.
Thông qua nghiên cứu này, tình trạng ô nhiễm không khí trong phòng được giải quyết, thiết bị giúp loại bỏ bụi mịn nhờ lớp màng hepa, làm giảm CO2 tích tụ trong phòng và sinh ra oxy nhờ cơ chế quang hợp của tảo.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, người sáng lập giải thưởng (thứ hai từ phải qua) trao giải Kiến tạo cho PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên cùng kỹ sư Nguyễn Quang Dũng (Ảnh: Nguyễn Liên).- Nghiên cứu thành phần và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chanh leo ở Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật làm chủ nhiệm, thực hiện cùng nhóm cộng sự.
Sau thời gian nghiên cứu và ứng dụng, quy trình phòng trừ tổng hợp, các đối tượng gây hại chính trên chanh leo đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Mô hình áp dụng quy trình này giúp tăng năng suất từ 20%-37,8% và tăng hiệu quả kinh tế tăng từ 31,3-52,1% (tại thời điểm nghiên cứu).
Hạng mục Sống đẹp (dành cho những việc làm tử tế, nhân văn và có sức lan tỏa trong cộng đồng) trị giá 30 triệu đồng/giải trao cho 4 cá nhân, gồm:
- Chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm, người sáng lập và điều hành lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh, Quỹ học bổng Ngọc Tâm Thủy Tinh. Dù mang căn bệnh xương thủy tinh, nhưng với ý chí và nỗ lực, chị đã thành lập lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh, dạy miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Nam Định.
- Chị Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên, người sáng lập Hội thiện nguyện Nhất Tâm. Vượt qua biến cố tai nạn xe gây 61% thương tật năm 2019, chị không ngừng truyền cảm hứng, động lực và giúp đỡ cho người khuyết tật thông qua các công tác thiện nguyện.
- Bà Đỗ Thúy Nga, người sáng lập Trung tâm Hy vọng. Ở độ tuổi hưu trí, năm 1998, bà thành lập trung tâm Hy vọng. Bằng tình yêu trẻ, yêu nghề, 24 năm nay, bà miệt mài chăm lo, dạy dỗ, thắp lên niềm tin cho trẻ em bại não, chậm phát triển.
- Chị Sùng Y Múa, cán bộ trạm Y tế xã Hang Kia; tỉnh Hòa Bình. Chị là một trong những người phụ nữ tiên phong phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong khu vực. Đồng thời, nỗ lực cải thiện an toàn sức khỏe của chị em phụ nữ tại xã Hang Kia thông qua việc giáo dục, tuyên truyền sức khỏe sinh sản.
4 cá nhân nhận giải Sống đẹp tại giải thưởng KOVA năm 2022 (Ảnh: Nguyễn Liên).Hạng mục Triển vọng, giải tập thể trị giá 30 triệu đồng được trao cho dự án khởi nghiệp "Thiết bị hỗ trợ xe lăn Automov" của tập thể sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng. Giải cá nhân trị giá 10 triệu đồng/giải được trao cho 11 sinh viên học tốt, có thành tích nghiên cứu khoa học đến từ nhiều trường đại học trên toàn quốc.
Học bổng Nghị lực năm nay được trao cho 153 sinh viên vượt khó, học giỏi từ 52 trường đại học công lập, trị giá 10 triệu đồng/học bổng.
Giải thưởng và học bổng KOVA do PGS.TS Nguyễn Thị Hòe sáng lập vào năm 2002, xuất phát từ việc bà từng trải qua những khó khăn thời sinh viên và những ngày đầu khởi nghiệp từ khoa học.
Trong 10 năm đầu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng. Từ năm 2012 đến nay, vị trí này được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đảm nhiệm. Hội đồng Ủy ban Giải thưởng KOVA còn có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ và các cơ quan Nhà nước.