Mới lên sóng được 5 tập, bộ phim Đi giữa trời rực rỡ của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn bị một số khán giả phản ánh về lỗi sai trang phục, nghi thức của người Dao đỏ xuất hiện trong các cảnh phim.
Đi giữa trời rực rỡ khắc họa cuộc sống của Pu - cô gái 18 tuổi người Dao xinh đẹp, học giỏi, không chấp nhận cuộc sống đến tuổi lấy chồng sinh con. Pu thi đậu đại học Dược ở thành phố và cô gái trẻ đang đứng trước ngã rẽ cuộc đời, một là rời quê hương để tiếp tục đường học vấn, hai là làm tròn chữ hiếu cho gia đình, lấy thiếu gia nhà giàu nhất bản để cha mẹ hết nợ.
Hai diễn viên trẻ Long Vũ và Ceri Thu Hà đảm nhận vai chính trong phim
Bên cạnh những lời khen ngợi về khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp kết hợp cùng những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, ê-kip phim cũng nhận được góp ý rằng trang phục và cách sử dụng trang phục của người dân tộc Dao đỏ chưa phù hợp với thực tế.
Theo đó, trang phục người Dao có thường phục và lễ phục, nhưng nhà làm phim chưa phân biệt được sự khác biệt của hai loại trang phục này nên đã xuất hiện cảnh nữ chính Pu mặc lễ phục đi... chăn trâu.
Trên các diễn đàn phim, một số người dân tộc Dao đỏ để lại bình luận: "Chị em mặc bộ lễ phục đính chùm bông đỏ kia mà đi chăn trâu, để bùn đất dính vào chùm bông đỏ kia thì bà con kiếm đâu ra quần áo mà thay liên tục?", "Mấy bộ này chúng em chỉ diện vào dịp đặc biệt quan trọng, lễ tết, đám cưới thôi. Kỳ công làm cả năm mới được một bộ trang phục, mang đi chăn trâu cắt cỏ thì bao nhiêu cho đủ",...
Trang phục của nhân vật Pu gây tranh cãi
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng - Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng ban đại diện nhóm "Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc", là người Dao quê ở Nguyên Bình (Cao Bằng), nơi diễn ra bối cảnh quay chính của bộ phim - cho biết, phim có nhiều "hạt sạn", hình ảnh chưa đúng với lối sống, sinh hoạt của người đồng bào.
Anh cũng bày tỏ sự không hài lòng khi nhiều đơn vị sản xuất không tìm hiểu kỹ về tập tục, trang phục của người dân tộc trước khi sản xuất phim, tổ chức sự kiện... Điều này gây ra nhiều sai lệch trong hiểu biết và ấn tượng về cuộc sống, phong tục của người dân tộc.
Anh Bàn Tuấn Năng cũng cho rằng việc tìm hiểu kỹ về một cộng đồng người dân tộc trước khi sản xuất các nội dung liên quan đến họ là sự tôn trọng dành cho cộng đồng đó.
Trang phục của nam - nữ chính bị cho là sai lệnh so với thực tế
Không chỉ trang phục của nữ chính Pu, trang phục dân tộc nam của nhân vật Chải cũng bị nhận xét không đúng, sai lệch về mặt thực tế. Chải mặc áo yếm đỏ và hai mảnh vắt sau lưng, chi tiết này thuộc bộ lễ phục của phụ nữ Dao đỏ.
Phản hồi những ý kiến về trang phục của nhân vật nam chính Chải, đạo diễn phim Đi giữa trời rực rỡ cho hay: "Cậu Chải trong phim là người miền núi thích hiphop, thích flexing, phá cách kiểu nghịch ngợm, trẻ trâu. Luôn tự cho mình có những hành động kỳ quặc để thể hiện với Pu và đám đệ tử của mình. Kể cả việc Chải tự mix trang phục của mình cũng kỳ lạ vậy.
Ngoài ra Chải bị mất mẹ từ nhỏ, luôn nhớ mẹ và luôn muốn giữ những kỷ vật của mẹ mình. Yếm đó là của nữ, và cũng chính là của mẹ Chải. Sau này có những giải thích về chuyện đó. Chải thần tượng những "người miền núi chất" và thích được tỏa sáng như những cô cậu miền núi chất".
Bên cạnh phần trang phục, ê-kip phim cũng bị phản ứng vì cảnh người phụ nữ đứng trước ban thờ thắp hương. Theo tập tục từ xưa, đây là điều cấm kị với người Dao. Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng chia sẻ: "Trong không gian thiêng (việc cúng bái trước bàn thờ dòng họ, gia đình), người phụ nữ không bao giờ được phép đến đó và trực tiếp hành lễ".