Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về mức độ nghiêm trọng của vụ ngộ độc liên quan ăn pate Minh Chay, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, nói cá nhân bà đánh giá “vụ việc này cực kỳ nguy hiểm”. “Hiện chưa biết bao nhiêu người sử dụng sản phẩm pate Minh Chay và độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum typ B được Bộ Y tế tìm thấy trong sản phẩm này là quá mạnh. Về việc chết người do ngộ độc chưa thì ban chưa nắm được nhưng liệt người, liệt cơ và cũng có nguy cơ tử vong”, PGS-TS Lan nói và lưu ý vấn đề lo ngại là ngộ độc về lâu dài, một vài chục năm nó ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng mà không đo đếm được.
Ai lỡ ăn thì nên báo ngay cơ sở y tế
Bà Phong Lan thông tin, đến ngày 1.9, TP.HCM xác định được 1.223 người mua sản phẩm của Công ty Lối sống mới, với hơn 1.550 hộp pate các loại. Ban Quản lý ATTP đã liên hệ được 1.101 người, 122 người chưa liên hệ được do nhiều nguyên nhân như không gọi được, nhầm số... Trong khi đó, đến nay ban chỉ mới thu hồi 103 sản phẩm.
Cũng theo bà Lan, quá trình thu hồi gặp nhiều khó khăn, do quá trình liên hệ nhiều người dân không nhớ từng ăn hay chưa, cũng có người mua biếu tặng, có người mua để bán lại. Mặt khác, sản phẩm của công ty này không thông qua hệ thống phân phối lớn mà chủ yếu bán trên mạng cũng như một vài cửa hàng thực phẩm chay nhỏ lẻ nên công tác thu hồi khó. “Nhưng TP.HCM quyết liệt thu hồi sản phẩm, phải ngưng tiêu thụ pate Minh Chay trên địa bàn TP.HCM cũng như VN. Chậm trễ phút nào thì người dân có nguy cơ nhiễm vi khuẩn nguy hiểm phút đó, không phải lô hàng nào cũng bị nhiễm vi khuẩn nhưng không ai dám chắc lô nào đó không bị nhiễm. Những ai lỡ ăn thì nên đến cơ sở y tế tư vấn, kiểm tra, những ai mua rồi không sử dụng thì giao nộp để cơ quan chức năng xử lý”, bà Lan khuyến cáo.
Dấu hiệu ngộ độc ra sao?
Sáng 1.9, PV Thanh Niên theo chân lực lượng Đội quản lý ATTP quận 1, 3, 4 thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM đi đến nhà dân để lập biên bản thu hồi các sản phẩm của Công ty Lối sống mới, trong đó có sản phẩm pate Minh Chay.
Ông L.H.P (55 tuổi, ngụ Q.4, là Việt kiều Mỹ), cho hay thấy trên Facebook quảng cáo pate Minh Chay nên từ giữa tháng 7.2020 ông có đặt hàng. Vì mua 3 hộp pate/khoảng 400 gr thì có khuyến mãi miễn phí giao hàng, kèm tặng 4 bịch muối vừng, bột ngũ cốc nên ông đặt 3 hộp pate Nấm Thái Dương với tổng số tiền 600.000 đồng. Khoảng 1 tuần sau, ông P. nhận hàng, mang tặng bạn 1 hộp. Sau đó, bạn ông và ông ăn hết 2 hộp, hộp còn lại chưa kịp ăn thì báo chí thông tin về việc nhiều người bị ngộ độc pate Minh Chay nên ông dừng.
“Mỗi sáng tôi đều ăn pate Nấm Thái Dương với bánh mì. Nhưng có điều lạ là sau khi ăn thì đau bụng đi ngoài đến nỗi phải mua thuốc uống. Nhưng tôi cứ nghĩ là do ăn đồ Việt Nam chưa quen”, ông P. chia sẻ.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, các triệu chứng ngộ độc khởi phát sau khi ăn pate 1 ngày là có thể ói mửa, buồn nôn và tiêu chảy là rất thấp (15 - 16%). Điều đặc biệt là bệnh nhân không sốt. Nếu phát hiện sớm trong vòng 3 ngày, có huyết thanh kháng độc tố sử dụng ngay thì hiệu quả. Nhưng để lâu hơn, độc tố Clostridium botulinum khi đi vào cơ thể người sẽ tác động hệ thống thần kinh ngoại biên, làm liệt cơ đối xứng 2 bên như cơ mí mắt khiến người bệnh bị sụp mí mắt, nói khó, nuốt khó, và bắt đầu liệt cơ từ trên xuống liệt đến tay, cơ hô hấp và chân. Phải mất 2 - 3 tháng trở lên thì tế bào thần kinh mới hồi phục. Nếu bệnh nhân thở máy nằm lâu thì còn kèm các biến chứng khác, chi phí cao.