Chuyên mục  


Năm 2013, Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7 đã ra đời và lấy đi không ít nước mắt của khán giả, cho đến nay đây vẫn là một trong số những phim điện ảnh xuất sắc nhất màn ảnh xứ Hàn. Phim xoay quanh vụ án oan của một người cha khờ ở phòng giam số 7, nơi ông và những người bạn tù đã lén lút đưa con gái của ông vào chăm sóc.

Án oan và tình phụ tử lấy đi bao nước mắt khán giả

Yong Goo (Ryu Seung Ryong) là một người cha thiểu năng vô cùng lương thiện và yêu thương con mình. Trong một lần cố gắng để cứu mạng một cô bé bị tai nạn, Yong Goo đã bị hiểu lầm rằng đã giết và cố gắng để thực hiện hành vi đồi bại với đứa trẻ. Ngay lập tức, Yong Goo bị bắt giam, cảnh sát đã lợi dụng việc anh là một người thiểu năng và đánh vào tâm lý yêu thương con gái để ép anh nhận tội. Sau những tháng ngày lén gặp con gái ở phòng giam số 7, được những người bạn tù cùng phòng chỉ dạy cách để bào chữa cho bản thân, Yong Goo bất ngờ nhận tội trong phiên tòa xét xử, luôn miệng nói lời xin lỗi. Anh bị kết án tử hình, án oan khiến cô con gái bé nhỏ Ye Seung quyết tâm trở thành luật sư để rửa tội cho bố mình.

Một kịch bản cảm động đi kèm với màn thể hiện xuất sắc của diễn viên gạo cội Ryu Seung Ryong và cô bé Kal Sol Won, Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7 đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả. Phim lọt top 5 tác phẩm Hàn Quốc có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở thời điểm ra mắt và trở thành tượng đài khó xô đổ của điện ảnh Hàn.

Và câu chuyện đằng sau đó

Jeong Won Seop đã bị kết án oan và ngồi tù suốt 15 năm khiến cuộc đời ông hoàn toàn bị phá hủy. Sau này ông được giải oan ở tuổi 74 nhưng không hề nhận được bất kì khoản bồi thường nào. Cụ thể vụ án xảy ra vào năm 1972, khi một bé gái 9 tuổi được tìm thấy đã tử vong trên một cánh đồng ở thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Bé gái được cho là đã chết sau khi đến một cửa hàng truyện tranh, trong túi quần vẫn còn tấm thẻ của cửa hàng, kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị xâm hại và bạo hành đến chết.

Ngay sau đó, Jeong Won Seop, 34 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ, buộc tội xâm hại trẻ em sau đó sát hại nạn nhân, chỉ vì ông là chủ của cửa hàng truyện tranh. Mặc dù đã một mực phủ nhận mọi cáo buộc nhưng kháng cáo của ông Jeong vẫn bị từ chối bởi tòa án cấp cao. Sau đó ông Jeong tuyên bố mình bị nhân viên cảnh sát tra tấn, ép nhận tội, ngụy tạo bằng chứng giả nhưng vẫn bị tòa án tối cao bác bỏ. Thời điểm đó, ông tin chắc rằng quyền lực của bố nạn nhân (bố nạn nhân là một cảnh sát cấp cao) đã khiến vụ án đi sai hướng.

Ông Jeong Won Seop

Cuối cùng, ông Jeong bị kết án chung thân, ông phải thụ án 15 năm và được ân xá vào tháng 12/1987 nhờ cải tạo tốt. Mặc dù được ra tù sớm nhưng ông đã mất hết tất cả, bố qua đời vì quá sốc, vợ sau đó cũng mất vì một tai nạn giao thông mà ông không thể ở cạnh bên, gia đình hoàn toàn tan vỡ.

Để chứng minh sự trong sạch, năm 1999, ông Jeong Won Seop quyết định đệ đơn lên tòa án Tối cao Seoul yêu cầu xét xử lại vụ án nhưng đã bị từ chối. Ông tiếp tục yêu cầu sự giúp đỡ từ Ủy ban Sự thật và Hòa giải vào năm 2005 và đến tận tháng 12/2007, vụ việc mới được xem xét lại. Tháng 11/2018 Ủy ban Sự thật và Hòa giải tuyên bố vụ án năm 1972 của ông Jeong Won Seop là vi phạm nhân quyền bằng cách tống tiền thú nhận sai thông qua tra tấn. Thẩm phán phụ trách vụ án năm xưa đã phải cúi đầu xin lỗi ông Jeong. Cuối cùng Jeong Won Seop đã được giải oan sau 36 năm chịu tiếng tội phạm cưỡng hiếp và giết người. Sau đó ông Jeong tiếp tục nộp đơn kiện đòi bồi thường, tuy nhiên ông không nhận được bất kì khoản tiền nào.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020