Tháng 10/2022, Nguyễn Long (Bình Phước) mang chiếc Ford Ranger 2008 đến một xưởng dịch vụ ở Củ Chi (TP HCM) để đại tu. Sau hai lần kiểm tra, anh được báo giá chi phí sửa chữa là hơn 100 triệu đồng, bao gồm các hạng mục như súc két nước, thay dầu động cơ, hộp số, thay dầu trợ lực lái, thay ron (gioăng) máy, bộ bạc tay biên, bộ bạc cốt máy, bạc piston, bơm dầu, xupap, phay bề mặt block máy, xoáy xupap, làm lại lòng xi-lanh, thay trục cam xả, chụp cam xả. Chủ xe đồng ý với mức báo giá mới.
Cuối tháng 12, Long nhận xe. Ngày hôm sau, xe anh có nhiều khói khi chạy, côn nặng, máy giật, đèn báo lỗi động cơ hiện lên, điều hòa không có hơi lạnh. Garage tư vấn anh chạy tiếp và theo dõi để đánh giá tình hình. Vài ngày sau xe không thể nổ máy, Long mang xe quay lại xưởng.
Chiếc Ranger 2008 gần như phải làm lại hết khối động cơ. Ảnh: Long Nguyễn
Sau hơn hai tháng, Long nhận lại xe vào đầu tháng 3. Tuy nhiên xe vẫn thải ít khói khi chạy. Một tháng sau, động cơ có tiếng gõ lạ khi nổ máy, sau đó là chết máy. Anh lại mang xe lên cơ sở để kiểm tra theo hướng dẫn của cố vấn dịch vụ. Xe anh tiếp tục được rã máy để kiểm tra. Lúc này, anh được thông báo culasse (đầu máy) - vốn được xưởng thay thế trước đó - bị nứt. Cố vấn cho biết đầu culasse này là hàng tháo xe khác, không phải hàng mới từ nhà sản xuất, và xưởng chưa tìm nguyên nhân của việc nứt.
"Tôi nghe vậy khá ngỡ ngàng vì trong quá trình trao đổi, cố vấn dịch vụ không nhắc tới chi tiết này nên tôi cứ ngỡ rằng đó là hàng mới", Long cho biết. Đại diện xưởng cho rằng phải dùng hàng tháo xe để tiết kiệm giá sửa chữa, vì nếu "hàng mới không có giá 10-12 triệu". Tuy không được trao đổi trực tiếp, trong hóa đơn sửa chữa trước đó, chi tiết đầu culasse thay thế được ghi nhận là hàng tháo xe.
Garage cho biết phương án giải quyết là thay một đầu culasse khác cũng là loại tháo xe thì không được bảo hành, hoặc thay loại mới 100% thì được bảo hành. Trong khi đó, chủ xe yêu cầu nếu thay loại tháo xe tương tự thì vẫn phải bảo hành trong một khoảng thời gian nhất định.
Hai bên không thể thống nhất được phương án sửa chữa. Đến tháng 5, Long kéo xe về garage khác để kiểm tra, và xe nằm ở xưởng mới đến nay, chưa được sửa chữa. Anh cho biết sẽ có những động thái pháp lý tiếp theo để yêu cầu xưởng phải bảo hành.
Trong khi đó, xưởng cho biết đã giải quyết thiện chí, nhưng việc khách chủ động kéo xe đi nơi khác làm ảnh hưởng tới tiến trình sửa chữa là không hợp lý. Garage này vẫn quyết định theo phương án cũ.
Nắp máy được tháo rời. Ảnh: Long Nguyễn
Theo các cố vấn kỹ thuật lâu năm, trường hợp tranh cãi này là một ví dụ điển hình cho việc garage không nói rõ các vấn đề cho khách hàng, và chủ xe lại không tìm hiểu kỹ các thông báo của xưởng, nhất là hóa đơn, báo giá dịch vụ.
"Nếu garage ngay từ đầu đưa cho khách hàng hai phương án lựa chọn thay đồ cũ hoặc đồ mới, và nói rõ rủi ro được bảo hành hoặc không, mọi chuyện sẽ không dẫn tới tranh cãi", cố vấn dịch vụ một hãng xe Nhật cho biết. Anh này cũng cho rằng, nếu hóa đơn đã ghi là hàng tháo xe, thì chắc chắn không có xưởng nào bảo hành, vì "không ai bảo hành đồ đã qua sử dụng".
Chuyên gia khuyên trước khi quyết định sửa chữa, đại tu, chủ xe cần nghiên cứu kỹ các cơ sở dịch vụ, đồng thời yêu cầu được liệt kê, giải thích các hạng mục được thực hiện, chế độ bảo hành, cách xử lý các lỗi phát sinh sau sửa chữa... Nếu có lỗi phát sinh, chủ xe cần giữ nguyên hiện trạng, thông báo cho garage để khắc phục càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, để tránh phải đại tu tốn hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng, người sử dụng nên bảo dưỡng định kỳ đúng lịch và đầy đủ các hạng mục theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc bỏ bớt một vài hạng mục hoặc phớt lờ bảo dưỡng định kỳ có thể tiết kiệm chi phí nuôi xe hiện tại, nhưng sẽ khiến chủ xe tốn nhiều tiền trong tương lai.
Nếu mua xe đã qua sử dụng, người dùng cần kiểm tra kỹ lịch sử bảo dưỡng, tốt nhất nên mua xe được thực hiện dịch vụ tại các cơ sở chính hãng.
Phạm Hải