Điều khiến chị băn khoăn nhất khi ra quyết định là "không nỡ đi chơi để hai đứa con 8 tuổi và 6 tuổi ở nhà cho bố và bà nội". "Mang cả con đi thì không thoải mái mà cũng phát sinh chi phí", Minh Hà nói.
Tháng trước, công ty đóng cửa vì thua lỗ, chị chuyển sang làm tại nhà cho một doanh nghiệp khác với thu nhập tốt hơn nhưng lúc nào cũng phải kè kè máy tính. Ngoài công việc, chị lo con cái, cơm nước và đủ thứ việc khác nên bận đến nỗi "cái tóc còn cắt ngắn đi để đỡ phải chải nhiều, tốn thời gian".
Nghe chị tâm sự đêm nào cũng nằm ngủ cũng mơ thấy sếp mắng, lo không đạt KPI, người bạn thân ở TP HCM động viên chị nên thư giãn. "Tạm xa công việc, xa con cái vài bữa để được sống cho bản thân mình", người bạn khuyên, khiến chị Minh Hà phải suy tính.
Chị Minh Hà ôm máy tính làm việc bất kể thời điểm nào trong ngày để có dữ liệu khách hàng. Ảnh nhân vật cung cấp
Một khảo sát của World Bank Vietnam năm 2022 (mới công bố kết quả cuối tháng 5/2023) cho thấy gần 1/3 phụ nữ Việt Nam, giống như Minh Hà, không có thời gian dành cho bản thân, thời gian giải trí trong ngày.
Nhưng theo tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia) nếu khảo sát ở quy mô lớn hơn, tỷ lệ phụ nữ không được giải trí còn nhiều hơn con số 1/3 mà World Bank Vietnam đưa ra, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
"Nguyên nhân là phụ nữ không hiểu được tầm quan trọng của việc dành thời gian cho bản thân với hạnh phúc của gia đình. Do vậy, họ không ưu tiên cho nhu cầu này", bà nói.
Quan niệm phụ nữ phải hy sinh cũng đẩy những người vợ vào tình cảnh này. Họ vắt kiệt sức khỏe để phục vụ gia đình mà không biết rằng lâu dài sẽ gây tác dụng ngược. Ngoài ra, theo bà Thúy, định kiến nặng nề do xã hội áp đặt phụ nữ phải chăm lo cho gia đình rồi mới nghĩ đến bản thân, phụ nữ vui chơi là lười nhác, khiến các bà vợ không nghĩ đến giải trí.
Chị Minh Hà, sống ở một huyện nông thôn thừa nhận, chưa từng nghĩ phải ưu tiên mình bất cứ điều gì kể từ lúc hai con nhỏ lần lượt ra đời. Cuộc sống cơm áo gạo tiền cũng vùi lấp đi cơ hội gặp gỡ bạn bè hay đi chơi đây đó. Đến xem một bộ phim hay cắm một bình hoa tươi cũng là điều chị không bao giờ nghĩ đến.
Chồng chị bán hàng giải khát, mùa hè đông khách nên tất bật cả ngày. Hai vợ chồng đang dồn sức trả khoản nợ lớn do vay vốn làm ăn giữa lúc dịch bệnh. Vì vậy, chị nghĩ mình có thời gian hơn, chấp nhận hi sinh sức lực để dọn dẹp việc nhà, chăm con là lẽ đương nhiên.
Quan niệm của Minh Hà giống 61% phụ nữ tham gia nghiên cứu của đại học Văn Lang từ 10/2021 đến 3/2022, khi cho rằng việc nội trợ, chăm sóc người già, trẻ nhỏ là trách nhiệm chính của người vợ.
Quá cầu toàn cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ bận rộn đến mức không có thời gian để giải trí. "Một nam khách hàng của tôi từng than thở buổi tối anh cứ đợi vợ vào để tâm sự, nhưng chị lại chăm chăm cọ cái bồn cầu. Trong khi, anh nói cần ôm vợ chứ không cần một cái bồn cầu quá sạch sẽ", bà Thúy kể.
Chuyên gia tâm lý Chử Thị Thanh Hương (TP HCM) cho rằng phụ nữ hiện đại đang phải đối mặt với áp lực kép rất lớn từ công việc và trách nhiệm gia đình, khiến thời gian giải trí dành cho bản thân bị hạn chế.
Kết quả khảo sát của World Bank Vietnam cho biết, hầu hết nữ giới phải dành thời gian hàng ngày cho việc nhà, trong khi tỷ lệ ở nam giới chỉ 55%. Mỗi ngày, nữ giới phải dành nhiều thời gian hơn (3 giờ) so với nam giới (1 giờ 42 phút) để làm việc nhà. 45% nữ giới tham gia công việc chăm sóc gia đình, trong khi chỉ có 24% nam giới tham gia.
Ảnh minh họa: shutterstock
Vợ "làm không hết việc nhà" còn chồng nhàn rỗi là tình cảnh khiến chị Hồng Hạnh (28 tuổi, ở Hà Nội) muốn ly thân. Dù chưa có con nhưng chị cũng chẳng còn thời gian gặp gỡ bạn bè hay xem một bộ phim ưa thích sau một năm lấy chồng.
Công việc kế toán buộc chị phải tập trung cao độ 8 tiếng mỗi ngày, thậm chí làm thêm giờ nếu sếp huy động. Thế nhưng từ chợ búa, cơm nước đến dọn dẹp nhà cửa, chồng chị không bao giờ chia sẻ. "Việc nhà là việc của phụ nữ. Mẹ anh chưa bao giờ để anh phải đụng tay vào những việc bếp núc thế này", anh nói mỗi lần vợ đề nghị cùng làm.
Thu nhập hai vợ chồng không cao để có thể thường xuyên ăn ngoài, chị Hồng Hạnh đành cố. Tuần trước, chị bị Covid, mệt lại không thể ra ngoài, tưởng chồng thấy ốm đau sẽ lo phụ giúp, nhưng anh ngại đi chợ. Chị phải cầu cứu đứa cháu họ hoặc đặt đồ siêu thị giao tận nhà. Tất cả thực phẩm mua về, chồng chị chỉ biết luộc lên cho vợ ăn.
Bị vợ trách vụng về, không để tâm chuyện nhà cửa, anh chồng tuyên bố "món gì cũng làm được nhưng không thích làm". Chưa khỏe nhưng chị đã phải đeo bao tay vào cơm nước, phục vụ chồng. "Tôi chẳng còn chút thời gian nào cho mình nữa. Biết lấy chồng khổ thế này, thà ở vậy cho sướng", chị nói.
Bà Phạm Thị Thúy khuyên, phụ nữ phải biết yêu thương bản thân trước khi muốn yêu thương chồng con. Theo chuyên gia, giải trí không nhất thiết phải đặt nặng vấn đề kinh tế. "Đừng đổ lỗi vì nghèo nên không có thời gian giải trí. Càng nghèo càng cần giải trí để đỡ căng thẳng, tiết kiệm tiền khám chữa bệnh, tăng hiệu quả công việc và thu nhập", bà cho hay.
Chuyên gia Chử Thị Thanh Hương kiến nghị xã hội cần tạo môi trường công bằng, bình đẳng với phụ nữ trong mọi việc lẫn các chính sách. "Cần cung cấp thêm các hỗ trợ gia đình để giảm gánh nặng cho phụ nữ như cơ sở trông trẻ, chăm sóc người già, giúp việc gia đình, hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho các thành viên gia đình", bà Hương nói.
Sau những ngày phân vân, chị Minh Hà nói mong muốn của mình với các thành viên trong gia đình. Hai đứa con đồng ý cho mẹ đi, chỉ cần được mua quà. Chồng, mẹ và em chồng ủng hộ, hứa sẽ chăm sóc con và lo việc nhà để chị dành thời gian cho bản thân. Sếp cũng đồng ý cho Hà nghỉ phép theo quy định.
"Hóa ra mọi chuyện rất nhẹ nhàng, chỉ là mình có muốn ưu tiên bản thân hay không thôi", chị nói.
Phạm Nga