Chuyên mục  


Dù mọi hoạt động ăn, uống, ngồi, nằm, đứng, đi… của bố hầu như phải tập lại từ đầu, cần rất nhiều thời gian, công sức và sự bền bỉ của bác sĩ và gia đình, song đối với tôi hiện tại cuộc sống không có điều gì quan trọng bằng việc còn có bố trên đời để được tập cho bố mỗi ngày.

Tập đi cho bố! Đây thật sự là một trải nghiệm vừa không quen vừa không dễ dàng gì đối với con cái. Nhiều khi nhìn bố yếu ớt và bỡ ngỡ, luống cuống, khó khăn trong từng việc đơn giản nhất như ngồi sao cho vững hoặc đau đớn đến cáu gắt khi phải nhích tay chân từng chút một, tôi đã phải cố nén tiếng thở dài, nén cả nhiều nước mắt để luôn tỏ ra vui vẻ động viên, khích lệ bố. May sao bố tôi vẫn còn nghe, hiểu và nói được gần như bình thường, chỉ có điều dễ xúc động và hay nghĩ hơn gấp nhiều lần so với hồi còn khỏe mạnh. Nên những lúc cảm thấy mình không đủ bình tĩnh và kiên nhẫn, sợ mình sẽ nổi nóng lên mà nói hoặc thể hiện điều gì khiến bố buồn… thì tôi sẽ đỡ bố nằm xuống tạm nghỉ ngơi, còn mình chạy ra chỗ khác hít thở thật sâu lấy lại bình tĩnh rồi mới trở vào tập tiếp cho bố.

Những ngày tập đứng, tập đi cho bố, tôi lại nhớ rõ mồn một hình ảnh bố của những ngày tôi còn thơ bé. Đó là một thanh niên khỏe mạnh, khéo léo nhất nhì làng biển - một hình dáng và sức vóc mà ai cũng ao ước. Nhớ những lần các nhà trong làng dựng nhà, thời người ta còn phải hò nhau dùng sức người để dựng những cái cột to cả vòng tay ôm hay những vày gỗ đồ sộ nặng nề, thì không nhà nào là không nhờ bố tôi đến giúp. Rồi những đám tang trong làng thời chưa có xe cộ để đẩy nhà tang, cần những người khỏe mạnh khiêng cái "nhà ma" ấy lên núi, thì trong đám người khiêng chính luôn có đôi vai khỏe mạnh của bố tôi.

Vào những mùa lặn cá, lặn hàu, bố có thể lặn sâu dưới đáy sông với thời gian dài hơn rất nhiều so với những người khác trong làng. Và nhất là chỉ với chiếc xe đạp cà tàng, bố có thể chở hoặc thồ một lượng muối, mắm nhiều gấp đôi gấp ba lần người khác để đi đổi, đi bán ở những nơi xa xôi hẻo lánh mà nhiều người không đủ sức đi tới... Tôi thử nhắc lại tất cả những chuyện xưa xem bố có còn nhớ không. Thật ngạc nhiên là bố vẫn nhớ hết từng chuyện.

Ảnh minh họa

Tôi nhớ đến những ngày bố đi xa về mua cho tôi chiếc vòng bạc đẹp khiến lũ bạn cứ chạy theo trầm trồ. Rồi bố say sưa kể về cái dốc Cổng Trời xa tít tắp - nơi bố thồ những bao tải muối, những can nước mắm quê tôi làm ra lên bán hoặc đổi lấy về những măng khô, bắp khô, gạo thóc, nếp nương… cho gia đình dùng. Bố kể những buổi chiều đẩy được xe hàng nặng lên đến đỉnh dốc, đứng giữa gió núi mây ngàn nhìn xuống làng mạc dưới thung lũng đẹp và bình yên quá mà quên luôn quãng đường mệt nhọc. Lúc đó tôi ngồi trong lòng bố chăm chú nghe rồi buột miệng ước sau này lớn lên con cũng sẽ đi làm như bố. Lần nào bố cũng cười hiền lành nói bố chỉ cần con thật khỏe mạnh, học hành thật giỏi để có thể đi ra khỏi làng. Cứ ra khỏi làng mình, con sẽ thấy cả một thế giới rộng lớn...

Tôi nhớ những ngày bé xíu xách giỏ theo bố đi quăng chài, thả lưới ngoài sông. Bố xuống sông thì tôi ngồi trên bờ ôm quần áo và canh giỏ cá. Thực ra chắc bố muốn đưa tôi đi theo để chỉ bày mọi việc chứ xách giỏ và ôm quần áo là việc không cần thiết. Có lần bố thử xem tôi sẽ xử lý thế nào qua việc bố cố tình lặn mãi dưới sông. Tôi chờ lâu hơn bình thường mà không thấy bố, liền xách giỏ chạy băng qua cánh đồng muối vào một nhà gần nhất để kêu cứu. Lần đó tôi được bố khen thông minh, việc gì biết mình không đủ sức làm thì phải nhờ người khác như vậy là đúng. Rồi như mọi lần, trên đường về, bố thường chọn hái cả nắm cỏ gà cho tôi mang về rủ chúng bạn cùng chơi. Khi đi qua mấy bụi dứa dại, bố hay dừng lại vơ nắm lá khô, lấy bật lửa gói sẵn trong túi áo ra đốt đống lửa lên để tôi khoái chí ngồi hơ tay. Rồi bố nướng vài con tôm, con cá thơm phức, gỡ nạc cho tôi ăn ngon lành, còn bố chỉ nhăm nhăm mấy miếng đầu và xương mà cũng chép miệng khen ngon. Cho đến tận bây giờ, vị ngon ngọt của mấy con tôm cá nướng ấy vẫn tỏa ra thơm lừng trong tâm trí tôi.

Một người khỏe mạnh, luôn chỉ biết làm việc và chăm sóc người khác như bố mà giờ đây ngày nào cũng phải tập đi tập lại từng động tác nhấc chân, nhấc tay, đến cả việc ngồi dậy, nằm xuống cũng cần sự hỗ trợ từ người khác thì chắc là buồn và bức bí lắm. Tôi luôn nghĩ vậy để động viên bố, động viên mình và mọi người hãy kiên nhẫn hơn nữa. Nhìn bố bây giờ, tôi biết rằng con người ta ai rồi cũng sẽ có lúc ốm đau, cần rất nhiều sự yêu thương, chăm sóc từ người khác để vượt qua.

Mỗi ngày bắt đầu bằng những bước đi của bố và kết thúc cũng bằng những bước đi của bố, tôi càng thấy mình vẫn còn may mắn, càng thấm thía thêm nhiều sự ở đời.

Theo PNVN

Là cha mẹ nhất định phải tránh những lời nói gây sát thương cho con như thế này

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020