"Siêu trộm" đoán trúng đề thi môn Văn 3 năm liên tục?
Trong thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra hết sức nghiêm túc thì một thông tin xuất hiện trên mạng xã hội khiến dư luận xã hội xôn xao. Đó là thông tin một tài khoản fanpage Facebook đoán trúng tác phẩm xuất hiện trong đề thi môn Văn.
Tài khoản có tên Kaito Kid (trùng tên và hình ảnh đại diện với một siêu trộm trong bộ truyện tranh "Conan", xuất xứ từ Nhật Bản) đăng tải bài viết hé lộ tên tác phẩm quan trọng xuất hiện trong đề thi môn Văn chính thức sáng ngày 7/7/2022.
Bài viết được đăng vào ngày 6/7, khẳng định đề thi sẽ đề cập đến tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu. "Tiên đoán" này đã trở thành hiện thực. Tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" đã có mặt và chiếm tới 5 điểm trong phần thi môn Văn sáng nay.
Bài đăng hé lộ tên tác phẩm Văn học trùng với nội dung trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2022. (Ảnh chụp màn hình)
Điều đáng nói là nhân vật này đã có 3 năm liên tiếp đoán trúng tác phẩm Văn học xuất hiện trong đề thi môn Văn, khiến dư luận không thể nào không hoài nghi liệu rằng đây chỉ là một sự trùng hợp hay đã xuất hiện lỗ hổng gian lận trong kỳ thi cấp quốc gia?
Trước đó, vào năm 2020, tài khoản Kaito Kid viết "Ta đã thấy được đề thi. Bài "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm nha mọi người".
Năm 2021, tài khoản này tiếp tục đoán trúng "Đề thi là "Sóng" của Xuân Quỳnh nha mọi người".
3 lần đoán trúng đề thi gây xôn xao của tài khoản Kaito Kid. (Ảnh chụp màn hình)
Với danh xưng "siêu trộm", nhân vật này đưa ra những thông tin lấp lửng, khiến những người trẻ trên mạng xã hội ngầm hiểu rằng nhân vật này đã xem trộm được đề thi môn Văn, dẫn đến nhiều hiểu nhầm và niềm tin sai lệch.
Bên dưới bài đăng, nhiều bạn học sinh bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài khoản Kaito Kid, cầu mong nhân vật này tiếp tục đưa ra dự đoán về đề thi những năm tiếp theo, thậm chí có những bạn hỏi đề thi IELTS, đề thi môn Hóa, môn Toán...
Rapper Đen Vâu đoán trúng đề thi?
Với hình ảnh rapper Đen Vâu ngồi câu cá trên chiếc thuyền trong sản phẩm âm nhạc mới nhất mang tên "Ai muốn nghe không", khán giả liên tưởng đến các tác phẩm văn học THPT như là: Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân), Thu điếu (Nguyễn Khuyến)…
Hình ảnh trong MV mới của rapper Đen Vâu khiến dân mạng liên tưởng rằng anh này một lần nữa "tiên tri" đề thi môn Văn. (Ảnh chụp màn hình)
Có lẽ đó cũng chính là lý do nhiều cư dân mạng cố ý gán ghép rằng Đen Vâu một lần nữa "tiên tri" cho đề thi môn Văn. Tuy vậy có thể thấy rằng việc gán ghép này có phần khiên cưỡng. Khác với những năm trước đây, lời bài hát của Đen Vâu trong khoảng thời gian sắp diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT thường có những câu từ "chạm" trúng đề thi.
Trước đây khi được hỏi về vấn đề "tiên tri" đề thi Văn này, rapper Đen Vâu đã trả lời rằng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.
Pháp luật xử phạt ra sao đối với hành vi tiết lộ đề thi cấp quốc gia?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho hay, theo Quyết định 809/QĐ-TTg về Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo do Thủ tướng Chính phủ ban hành có quy định như sau:
Bí mật Nhà nước ở mức độ Tối mật của lĩnh vực giáo dục gồm: Kế hoạch, chương trình hành động, báo cáo, tài liệu kèm theo báo cáo của Bộ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục phục vụ an ninh quốc gia; Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức và dự bị các kỳ thi THPT, thi học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai; thông tin về người thuộc quân đội, công an… được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài cần được bảo vệ theo yêu cầu của bên cử đi đào tạo.
Như vậy, đề thi, đáp án đề thi chính thức và dự bị các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là tài liệu bí mật Nhà nước, được pháp luật bảo vệ. Hành vi tiết lộ, mua bán, trái phép tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý hình sự tội làm lộ bí mật Nhà nước.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, nếu có hiện tượng lộ đề thi thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hành vi làm lộ bí mật Nhà nước hay không, nếu có thì ai là người thực hiện hành vi làm lộ bí mật Nhà nước để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo điều 337, Bộ Luật hình sự 2017 quy định về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước như sau:
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật Nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật Nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.