Tôi lồm cồm bò dậy, nhận ra trời đã sáng bảnh rồi. Nếu là mấy năm trước, tầm này cơm nước đã phải sắp lên mâm tươm tất để bố chồng thắp hương tổ tiên. Nhưng năm nay dậy, thấy trên ban thờ đã có một đĩa xôi với con gà trong làn hương tỏa ra nhẹ nhàng thoang thoảng.
Mẹ chồng tôi sợ con dâu ngại liền cười nói: "Quen nếp xưa rồi, nay đổi mới vẫn chưa kịp thích nghi, vẫn quen dậy sớm nên không muốn gọi các con dậy, thật ra cũng chẳng làm gì, mẹ loáng chút là xong". Tôi nhìn cảnh trong nhà, tự nhiên thấy lòng bình yên thỏng thả.
Mấy ngày trước tết, bố chồng tôi đã tổ chức một cuộc họp gia đình. Thực ra năm nào cũng vậy. Mọi người sẽ ngồi lại với nhau, xem tết nay sẽ như thế nào. Phân chia nhiệm vụ dọn dẹp sắm sửa trong nhà, ngày nào đi tảo mộ, ngày nào đi chúc tết ông bà cô bác họ hàng, ngày nào thì đốt tết…
Nhưng năm nay thì khác, bố chồng bảo "đơn giản hóa mọi việc đi bà ạ. Hôm qua tôi đọc báo, thấy người ta bảo mỗi khi tết về là thấy mệt, rốt cuộc là mình ăn tết hay tết ăn mình? Tôi nghĩ thấy đúng quá. Các con đứa gần đứa xa tất bật quanh năm. Tết về nhà, trước là sum họp mẹ cha, hai là nghỉ ngơi chơi tết. Nhưng năm nào nhà mình cũng mua sắm đủ thứ, bày biện nọ kia. Nhất là bà với hai cô con dâu, ba ngày tết chì vùi đầu trong bếp, chẳng đi được đâu. Vậy nên tôi quyết định, năm nay nhà mình ăn tết, không để "tết ăn mình" nữa. Mọi người có ủng hộ không?".
Tôi nghe bố chồng nói xong, không tin vào tai mình. Bố chồng tôi thuộc tầng lớp cũ, cách sống và suy nghĩ vẫn có chút cổ xưa. Về làm dâu đã mấy năm, tết năm nào tôi cũng mang đầy áp lực. Tôi vốn không giỏi nội trợ, hai vợ chồng lại lập nghiệp ở xa nên nếp nhà cũng không tỏ tường. Tết nhất, mẹ chồng sai gì làm nấy, bảo gì nghe nấy, đôi khi thấy mình lóng ngóng vụng về khủng khiếp.
Còn nhớ năm đầu tiên ăn tết nhà chồng tôi còn khóc, vì phải dậy từ sớm tất bật làm cơm, rồi cả ngày đón tiếp họ hàng làng xóm sang chúc tết. Quần áo mới sắm diện tết không kịp diện ngày nào đã hết tết. Nó thật sự khác với những mùa xuân trước của tôi.
Tết nay, nhà vẫn gói bánh chưng nhưng ít hơn. Mẹ mua thêm mấy con gà, vài cân giò cùng ít thực phẩm khô và rau củ đủ ăn trong mấy ngày. Tôi mua hoa quả và bánh kẹo.
Sáng mồng một, trong bữa sáng, ông bà lì xì cho các cháu, con cháu mừng tuổi cho ông bà, rồi ăn sáng nhẹ nhàng sau đó mấy anh em cùng nhau đi chúc tết họ hàng. Đi đâu mấy anh em cũng thống nhất chỉ ngồi uống nước, ăn bánh kẹo, nhất định không uống rượu, ngồi mâm. Vì các anh đã ngồi vào rồi là khỏi đi đâu nữa.
Tối về, cả nhà rủ nhau đánh bài quỳ. Chú út chắc vì mới có người yêu nên "đỏ tình đen bạc", chẳng hiểu đánh kiểu gì mà thua suốt, quỳ đỏ cả hai đầu gối. Tận khuya, mọi người trêu nhiều quá chú mới chèo chống: "Mọi người hay nhỉ, đánh bài quỳ thì phải quỳ chứ sao cứ ngồi như thế là không đúng đâu". Vậy nên sáng nay chú gọi anh chị dậy sớm để "phục thù", chắc hôm qua thua vẫn chưa tâm phục.
Tôi vừa quét dọn xong thì mẹ chồng lại gần thủ thỉ: "Vợ chồng con ở nhà chơi hết hôm nay, mai đưa các cháu về ngoại chúc tết ông bà ngoại đi nhé". Tôi bảo mẹ: "Năm nay nhà con định không về". Nhưng mẹ chồng lại nói: "Cả năm có ba ngày tết, cho cháu nó về chơi với ông bà. Tết nhất cha mẹ nào cũng mong con mong cháu. Bây giờ xe cộ thuận tiện, có hơn trăm cây số chứ bao xa mà không về".
Sáng mồng ba, tiễn vợ chồng tôi và hai cháu ra xe về ngoại, ông bà nội gửi một túi quà biếu thông gia. Trên đường đi, thấy nam thanh nữ tú chở nhau đi chơi tết. Tôi bảo chồng: "Tết năm nay nhẹ nhàng quá anh nhỉ".
"Ừ, bố bảo năm nay mình ăn tết, không để tết ăn mình còn gì. Ông cụ đã bắt kịp xu hướng thời đại rồi đấy".
Vài tiếng nữa là về nhà rồi, sắp được gặp bố mẹ rồi. Nghĩ đến đó, thấy đường không còn xa mấy nữa.
L. G