Chuyên mục  


Hàng loạt thương hiệu ôtô Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trong hai năm qua, tạo nên một làn sóng xe nhập từ quốc gia đông dân nhất thế giới. Sự xuất hiện của những hãng xe này tạo thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng trong nước bên cạnh các hãng Nhật, Hàn, Mỹ, Đức... quen thuộc.

Dưới đây là những hãng xe Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam hoặc đang lên kế hoạch xuất hiện.

Chery

Là cái tên đánh tiếng sớm nhất cho việc kinh doanh ôtô tại Việt Nam từ 2022 nhưng đến nay, Chery vẫn chưa có mặt. Hãng cho biết, hoạt động bán xe dự kiến bắt đầu từ đầu 2024.

Mẫu Jaecoo 7 định vị cỡ B+ tại Trung Quốc. Ảnh: Ánh Dương

Khác với lần vào Việt Nam cách đây hơn 10 năm, hãng không bán xe dưới thương hiệu Chery mà là hai hãng con: Omoda và Jaecoo. Lô hàng Omoda 5, S5, S5 GT và Jaecoo 7 đang trên đường về Việt Nam. Sau khi thông quan, đăng kiểm, hãng sẽ cho khách lái thử, tiếp nhận phản hồi để tinh chỉnh sản phẩm trước khi ra mắt bản thương mại hoàn chỉnh.

Những mẫu xe trên đều được hãng xe Trung Quốc lên kế hoạch bán ở Việt Nam. Omoda 5 là mẫu CUV cỡ B, Omoda S5 định vị phân khúc C, còn S5 GT mang phong cách thể thao hơn S5. Mẫu Jaecoo 7 khi bán ra sẽ là đối thủ tiềm năng của những mẫu CUV cỡ B+ như Corolla Cross, CX-30.

Wuling

Wuling vào Việt Nam bằng việc hợp tác với doanh nghiệp trong nước - TMT Motors - để lắp ráp mẫu xe thành công nhất về mặt doanh số của hãng: Hongguang Mini EV. Trước khi ra mắt hôm 29/6, Hongguang Mini EV gây sốt thị trường ôtô Việt Nam bởi rất nhiều khách Việt mong đợi về mức giá dưới 200 triệu đồng cho mẫu xe này có thể giúp họ hiện thực hóa giấc mơ ôtô giá rẻ.

Wuling Hongguang Mini EV lăn bánh tại một sân golf ở TP HCM, tháng 6/2023. Ảnh: Thành Nhạn

Giá bán chính thức 239-279 triệu đồng của Hongguang Mini EV khiến sức hút của mẫu xe Trung Quốc phần nào hạ nhiệt, bên cạnh những nhược điểm về khả năng vận hành. Tuy nhiên, mẫu xe Wuling vẫn sở hữu những lợi thế lớn về kích thước nhỏ gọn, khả năng đi phố linh hoạt và đặc biệt giá rẻ nhất thị trường.

Wuling mới chỉ bán một sản phẩm là Hongguang Mini EV. TMT cho biết sẽ lắp ráp thêm các mẫu xe khác của Wuling trong tương lai nhưng chưa nói tên sản phẩm cụ thể.

Haima

Nằm trong làn sóng xe Trung Quốc vào Việt Nam còn có cái tên Haima. Hãng này đã có đối tác phân phối xe trong nước là công ty Carvivu với sản phẩm đầu tiên dự kiến là chiếc MPV 7X, cạnh tranh các đối thủ như Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz...

Chiếc MPV 7X trưng bày tại một trung tâm hội nghị ở TP HCM, tháng 2/2023. Ảnh: Quốc Đạt

Xe Haima bán ở Việt Nam sẽ bằng hình thức nhập khẩu. Ngoài 7X, nhà phân phối hãng xe Trung Quốc còn có kế hoạch đưa về bản chạy điện của 7X là 7X-E và một mẫu CUV cỡ C, Haima 8S.

Đại diện Carvivu cho biết mục tiêu bắt đầu hoạt động kinh doanh của Haima tại Việt Nam từ nửa sau 2023. Xe được bán thông qua hai showrom tại Hà Nội, và một showroom ở TP HCM. Chính sách hậu mãi, bảo hành chưa được tiết lộ.

Haval

Đầu tháng 8, Haval H6 HEV ra mắt khách Việt, khởi đầu cho hoạt động kinh doanh của hãng xe thuộc tập đoàn ôtô Trường Thành (Great Wall Motor) tại thị trường trong nước.

Haval H6 HEV tại sự kiện ra mắt ở Hà Nội hôm 2/8. Ảnh: Lương Dũng

Haval mới chỉ có một showroom tại Hà Nội và sẽ mở rộng hệ thống phân phối trong thời gian tới. Mẫu H6 thuộc phân khúc CUV cỡ C, nhập khẩu từ Thái Lan, bán ra một phiên bản duy nhất lắp động cơ hybrid 1,5 lít, giá 1,096 tỷ đồng.

Nhà máy của hãng mẹ Haval đặt ở Thái Lan. Đây nhiều khả năng là nguồn cung ứng chính cho các xe Haval tại thị trường Việt Nam bởi có lợi thế thuế nhập khẩu 0%.

Zhidou

So với những hãng đồng hương kể trên, sự xuất hiện của Zhidou tại Việt Nam ít ồn ào hơn. Hãng trưng bày chiếc Zhidou A01 tại một triển lãm về công nghiệp phụ trợ ở TP HCM hồi giữa tháng 5 và cho biết sẽ bán bản thương mại của dòng xe này vào cuối 2023 với mức giá kỳ vọng khoảng hơn 100 triệu đồng.

Mẫu xe điện mini A01 trưng bày tại triển lãm Autotech & Accessories, tháng 5/2023. Ảnh: Tân Phan

Zhidou cho biết sẽ liên doanh với một đối tác trong nước để lắp ráp xe tại Việt Nam, logo và tên thương hiệu được tùy biến riêng cho thị trường Việt. Nếu như đúng kế hoạch, Zhidou sẽ thay thế Hongguang Mini EV trở thành mẫu ôtô giá rẻ nhất thị trường.

Hiện các sản phẩm của Zhidou bán tại các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Thái Lan. Đại diện công ty nói sẽ triển khai mạng lưới sạc rộng khắp Việt Nam khi A01 bán ra tại thị trường, cho phép các phương tiện khác sử dụng chung chứ không độc quyền.

Lynk & Co

Kinh doanh từ tháng 10 tới, Lynk & Co, thương hiệu hạng sang thuộc tập đoàn Geely (Trung Quốc) cung cấp thêm lựa chọn cho khách Việt bằng các sản phẩm nhập khẩu. Đại diện nhà phân phối của Lynk & Co, công ty GreenLynk nói rằng sẽ bán bốn mẫu 01, 03, 05 và 09 cho thị trường Việt Nam nhưng chưa rõ cái tên nào đầu tiên.

Lynk & Co 01 tại châu Âu. Ảnh: Auto Bild

GreenLynk là một đơn vị thuộc Tasco, tập đoàn đã sở hữu 100% cổ phần SVC Holdings vào năm 2022. SVC Holdings là ông lớn trong mảng phân phối ôtô với các đại lý bán xe thương hiệu Toyota, Ford. Trong khi Lynk & Co và Volvo đều thuộc hãng mẹ Geely.

Lynk & Co được Geely thành lập năm 2016, tức 6 năm sau khi mua lại Volvo vào năm 2010 từ Ford. Hãng xe Trung Quốc muốn tận dụng tối đa lợi ích thương hiệu Thụy Điển mang tới, từ nền tảng công nghệ, kinh nghiệm làm xe tới các triết lý sản phẩm. Lynk & Co ra đời ở Gothenburg, Thụy Điển, tập trung vào sản phẩm cao cấp, hướng tới phân khúc khách hàng trẻ yêu thích công nghệ.

Thành Nhạn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020