Luôn ủng hộ bình đẳng giới
Tại VTV9 (Trung tâm Truyền hình VN, TP Hồ Chí Minh) dịp 8/3/2019 đức Gyalwang Drukpa bậc thầy tâm linh - nhà hoạt động xã hội đã gửi lời chúc mừng đến tất cả phụ nữ Việt Nam, và chia sẻ kinh nghiệm về bình đẳng giới.
Theo Ngài, bình đẳng giới rất quan trọng không riêng phụ nữ, mà còn vì sự bình an của đất nước, và vì hạnh phúc nhân loại và hòa bình của toàn thế giới. Chúng ta đã nói rất nhiều về hòa bình thế giới nhưng nếu không có sự bình đẳng giới thì hòa bình ở đâu?
Phụ nữ cần được tôn trọng. Tất nhiên chúng ta cũng cần tôn trọng đàn ông, nhưng đàn ông đã luôn được tôn trọng trong xã hội rồi. Còn đôi khi người phụ nữ chưa được đối xử bình đẳng với nam giới. Vì vậy Ngài luôn nỗ lực kêu gọi và ủng hộ cho sự bình đẳng giới, tin rằng hòa bình trên thế giới phụ thuộc nhiều vào bình đẳng giới, là một trong những khía cạnh quan trọng tạo lập nên sự hòa bình, hạnh phúc của nhân loại.
Pháp Vương Gyalwang Drukpa.
Khâm phục ni sư học võ
Đức Gyalwang Drukpa cũng là bậc thầy Phật giáo đầu tiên khích lệ và hỗ trợ mạnh mẽ cho các vị ni sư học võ thuật, đặc biệt là học võ cổ truyền Việt Nam. Các học sinh của Ngài và ni sư ở Tây Thiên rất giỏi về võ thuật. Ngài cho rằng, phụ nữ có thể học được nhiều thứ. Phụ nữ học được võ thuật để tự vệ trong nghịch cảnh - điều này rất tốt bởi phụ nữ cũng cần biết bảo vệ bản thân mình.
Văn hóa Việt Nam đề cao và tôn trọng vị thế người phụ nữ trong xã hội, tôn vinh những vẻ đẹp của người phụ nữ như là trí tuệ, tinh thần, tình yêu thương, nghị lực và lòng dũng cảm, sự tần tảo và cả lòng vị tha nữa.
Việt Nam trải qua bao khó khăn tới ngày hôm nay mà vẫn vững vàng phát triển không chỉ nhờ sức của những người đàn ông, mà một phần rất lớn nhờ công lao của người phụ nữ. Sự đóng góp của người phụ nữ là vô cùng quan trọng, có thể thấy và hiểu rõ ràng cả từ góc độ quốc tế. Có thể nói rằng người phụ nữ có thể làm được rất nhiều việc, nhiều thiện hạnh lợi lạc trên thế giới này.
Ngài muốn thể hiện tình yêu thương trong hành động, từ bi qua các thiện hạnh (như bảo vệ môi trường, làm sạch nước, làm sạch bầu không khí, không chỉ bảo vệ nữ quyền và các vấn đề bình đẳng giới mà cả các vấn đề với ô nhiễm không khí, nước, đất). Tất cả những điều này đều nằm trong giáo lý Phật giáo. Bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ những người nữ yếu thế, mà còn bảo vệ thiên nhiên vì lợi ích của thế giới.
Hòa thượng Thích Thiện Tánh – Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG VN đón tiếp Đức Gyalwang Drukpa tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Chia sẻ với báo giới về hạnh phúc tốt đẹp trong đạo Phật
Trước đó tại Hà Nội, Ngài có buổi tọa đàm "Vấn đáp tâm linh thời hiện đại” chia sẻ với các nhà báo về hạnh phúc qua cách nhìn đạo Phật, giúp tất cả những ai muốn gỡ bỏ căng thẳng, vợi bớt khổ đau để sống hạnh phúc.
Theo đó, Phật giáo là cách thức để trưởng dưỡng, phát triển cuộc sống để trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Việc kiếm tiền, những công việc hàng ngày không còn quan trọng. Nền tảng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta là sự nỗ lực, phấn đấu hết mình, rèn luyện bản thân để trở nên tốt đẹp hơn.
Hạnh phúc không đến từ bên ngoài, mà hạnh phúc do chính bạn tạo nên từ những gì mình đang có. Hạnh phúc không đến từ việc tập trung vào, hay trách than về những gì mình không có – vì làm như vậy sẽ khiến chúng ta phải khổ đau.
Cuộc sống là cơ hội để chúng ta nỗ lực rèn luyện bản thân, để biết hài lòng, trân trọng những gì mình đang có để được hạnh phúc. Ví dụ, ta có đôi mắt để nhìn, đôi chân để đi, miệng để nói được với mọi người. Ta cần biết trân trọng tất cả những điều đang có đó – và để trân trọng, tri ân thì cần phải rèn luyện. Đạo Phật giúp mọi người rèn luyện bản thân để biết chấp nhận, biết hài lòng sẽ đạt được hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau.
Cần duy trì quan hệ vợ chồng tốt đẹp
Trong gia đình cần duy trì quan hệ vợ chồng tốt đẹp. Chẳng hạn, khi mới yêu thời gian đầu bạn nhìn bạn gái/bạn trai của mình như những thiên thần, mọi thứ đều hoàn hảo. Sau một thời gian vẫn người đó, chẳng thay đổi gì, nhưng bạn lại nhìn ra ở họ vô số điểm bất toàn như mũi to quá, chân ngắn quá…
Tất cả là do lúc đầu bạn bị choáng ngợp trong tình yêu nên đã không nhận ra, do cách nhìn nhận bị thay đổi. Vì vậy để duy trì quan hệ vợ chồng tốt đẹp, bạn hãy tự xem xét lại bản thân, hãy chấp nhận và duy trì tình cảm như buổi đầu gặp gỡ. Hãy luôn trân trọng bạn đời của mình, vai trò của họ trong gia đình, những gì họ làm cho bạn… Hãy nhìn vào những điểm tích cực, thay vì tập trung vào những điểm tiêu cực, không thay đổi được của bạn đời.
Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ thông điệp bình đẳng giới nhân 8/3 tại VTV9 Trung tâm Truyền hình VN, Tp HCM.
Cha mẹ là người thầy quan trọng số 1, thầy cô ở trường quan trọng số 2
Khi kêu trẻ con bị hư hỏng, mắc nhiều tật xấu thì đã là quá muộn, làm cha mẹ muốn nuôi dạy con nên người cần rèn luyện chính mình trước đã.
Trước khi tiến tới hôn nhân và trở thành cha mẹ, cần tư duy kỹ càng, suy nghĩ nhiều lần về việc mình sẽ giáo dục, nuôi nấng dạy dỗ con cái như thế nào sau này để chúng trở thành người tốt, để đóng góp cho xã hội những con người tốt. Trách nhiệm của người làm cha mẹ vô cùng nặng nề, vì vậy hãy suy nghĩ cho thấu đáo, chuẩn bị thật kỹ càng trước khi đảm nhận vai trò làm cha mẹ.
Không có phép màu nào dạy trẻ, mà quan trọng là bạn hãy đặt câu hỏi và tư duy, rèn luyện chính mình để tìm ra cách tốt nhất cần dạy dỗ, cho lời khuyên tốt, hướng đạo cho con cái, là thiện hữu tri thức, là tấm gương sáng cho con noi theo. Cha mẹ là người thầy quan trọng số 1. Thầy cô ở nhà trường chỉ đóng vai trò quan trọng số 2 sau cha mẹ.
Những khía cạnh cốt yếu của cuộc sống hiện đại, từ Đạo đến Đời, từ các thách thức của thời đại 4.0 đến những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân… trong cuốn “Sống Trí tuệ” (NXB Hồng Đức 2019) giúp người dân có hiểu biết sâu sắc, đúng đắn hơn về tâm linh để có một cuộc sống hài hòa tích cực, viên mãn, cân bằng cả vật chất và tinh thần, giúp chúng ta có được hạnh phúc tương đối và hạnh phúc vững bền.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa nổi danh trên thế giới về các hoạt động nhân đạo, bảo vệ môi trường và bình đẳng giới. Ngài là tác giả của nhiều cuốn sách về nghệ thuật sống, được vinh danh với giải thưởng “Vì mục tiêu Thiên niên kỷ” của Liên Hợp quốc, và giải Anh hùng Xanh (của Ấn Độ) cho những thiện hạnh vì lợi ích cộng đồng.
Ngay sau ngày 8/3 (hai ngày 9-10/3) đức Gyalwang Drukpa và tăng đoàn sẽ làm lễ cầu an cầu siêu tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP Hồ Chí Minh) theo nghi thức Phật giáo Kim Cương thừa, tiêu trừ thân, tâm bệnh, phiền não…
Nhân ngày 8/3 đức Pháp vương Gyalwang Drukpa gửi lời chúc mừng đến tất cả những người phụ nữ Việt Nam đã góp sức vào gây dựng đất nước Việt Nam, từ thế hệ này cho tới thế hệ khác.
Uyển Hương