Chuyên mục  


Trong Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ giao các cơ quan hữu trách nghiên cứu, thực thi các chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe điện chạy pin (BEV), xe hybrid tự sạc (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV).

Lệ phí trước bạ là một một trong nhiều khoản chi phí chủ sở hữu phải hoàn thành để lăn bánh một mẫu xe. Ưu đãi lệ phí trước bạ là một cách để kích thích người dân ưu tiên sử dụng những dòng xe này.

Cùng với các giải pháp khác được thực hiện đồng bộ, Bộ Công thương đặt mục tiêu tỷ lệ xe điện, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học hay nhiêu liệu xanh khác (gọi tắt là xe xanh) chiếm khoảng 18-22% tổng doanh số toàn thị trường (1-1,1 triệu chiếc) vào 2030. Tức tương đương với con số 180.000-242.000 chiếc.

Đến 2045, doanh số toàn thị trường đạt khoảng 5-5,7 triệu xe. Trong đó có khoảng 4,3-4,4 triệu xe xanh, tương đương thị phần khoảng 80-85%.

Chữ hybrid gắn trên hông xe một mẫu Corolla Cross tại Việt Nam. Ảnh: Thành Nhạn

Năm 2023, mảng xe điện hoá tại Việt Nam chỉ có VinFast, Toyota và Suzuki công bố số liệu bán hàng. Riêng Suzuki là loại mild-hybrid với hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu không lớn. Những hãng khác như Hyundai, Kia, Honda, Haval... có doanh số không đáng kể.

Toyota với dải 6 mẫu hybrid, bán tổng cộng 2.639 chiếc. Suzuki có hai mẫu, bán 3.630 xe (loại mild-hybrid). VinFast thuần bán xe điện, doanh số trên toàn cầu khoảng 34.855 chiếc và hầu hết là ở Việt Nam.

Nếu tính tổng doanh số xe điện hoá của Toyota và VinFast, con số đạt khoảng hơn 37.000 chiếc trong 2023 (giả sử toàn bộ xe VinFast đều ở Việt Nam), chiếm khoảng 9% toàn thị trường. Như vậy, mục tiêu Bộ Công thương đặt ra sau khoảng 7 năm gấp hơn 4,8-6,5 lần con số hiện tại, còn thị phần tăng gấp đôi.

Hiện nay, dòng xe BEV đang được ưu đãi lệ phí trước bạ 0% trong ba năm, từ 1/3/2022 đến 1/3/2025, theo Nghị định 10/2022. Hai năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% so với ôtô chạy xăng, dầu có cùng chỗ ngồi. Trong khi đó, xe hybrid không có ưu đãi tương tự.

Liên quan đến các chính sách nhằm trợ lực cho các dòng xe xanh phát triển tại Việt Nam, hồi tháng 8, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) kiến nghị nhà nước áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho xe HEV bằng 70% xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại, hiện là 35-150%. Với xe PHEV, mức áp dụng được đề xuất giảm từ 70% xuống 50%.

Với riêng xe BEV, thuế TTĐB cho dòng xe này đang được ưu đãi. Từ ngày 1/3/2022 đến 28/2/2027, loại thuế này của BEV là 3%, giảm mạnh từ mức 15% trước đó.

Đại diện Toyota Việt Nam cho rằng, bên cạnh xe thuần điện, ưu đãi thuế, phí cho xe hybrid có thể giúp thúc đẩy sự dịch chuyển thói quen mua sắm của người dùng từ xe xăng, dầu truyền thống sang các loại xe tiết kiệm nhiên liệu hơn, giảm khí thải ra môi trường. Xe hybrid có thể là phương án phù hợp với những khách hàng chưa tiếp cận được hạ tầng trạm sạc và công nghệ sạc để sử dụng xe thuần điện.

Xu hướng xe hybrid dần đậm nét hơn tại Việt Nam trong ba năm qua khi ngày càng nhiều sản phẩm mới ra mắt thị trường. Từ chỗ chỉ có Toyota, thị trường hiện dần thêm nhiều lựa chọn xe hybrid hơn của Kia, Suzuki, Honda, Hyundai và cả các hãng xe sang.

Một chuyên gia phụ trách tiểu ban kỹ thuật của VAMA cho rằng, xu hướng điện hóa đang diễn ra ở Việt Nam dù chưa nhanh như các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia. "Xe hybrid cũng có ưu điểm về giảm phát thải, nhưng giá bán vẫn còn cao nên quy mô chưa thể mở rộng nhiều", ông nói.

Do phụ thuộc chi phí sản xuất, các phiên bản hybrid thường đắt hơn nhiều xe xăng, dầu cùng loại. Ví dụ, một mẫu Toyota Corolla Cross hybrid giá 905 triệu, bản thường chạy xăng giá 820 triệu, tức chênh lệch hơn 80 triệu đồng. Hoặc mẫu Kia Sorento hybrid giá 1.229-1.329 triệu, bản thường giá 964-1.189 triệu, chênh lệch khoảng 144-269 triệu đồng.

Thành Nhạn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020