Giao tiếp là một phần không thể thiếu trong xã hội con người. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách giao tiếp để tạo nên giá trị, thu phục lòng người, ai gặp cũng mến.
Trên con đường tìm đến thành công, IQ không phải là điều kiện duy nhất, mà EQ mới chính là yếu tố quyết định nên cả quá trình.
Tuy nhiên, EQ không phải là thứ mà con người muốn có là có. Nhiều người phải học tập cả đời mới có thể nắm vững được bản chất của EQ.
Sau đây là 6 phương pháp cơ bản giúp bạn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, nâng cao trình độ EQ:
1. Suy nghĩ cho nhu cầu của người khác khi giao tiếp
Khi giao tiếp với người khác, chúng ta thường thích biểu đạt cảm xúc theo thói quen của bản thân, nhưng lại xem nhẹ nhu cầu của đối phương. Phương pháp giao tiếp đúng đắn nhất đòi hỏi bạn phải có khả năng tiếp thu ý kiến và thỏa mãn nhu cầu của người khác.
Ví dụ: Trong quá trình tìm việc, rất nhiều ứng viên thường nói về việc họ mong muốn có công việc này như thế nào, muốn tiền lương bao nhiêu. Theo đó, những gì bạn biểu đạt ra bên ngoài chỉ xuất phát từ một phía là bản thân bạn muốn gì, chứ không hề quan tâm đến nhu cầu của người đối diện.
Lúc này, điều bạn nên bày tỏ chính là bản thân có thể tạo nên giá trị gì cho công ty và lý do để họ tuyển dụng bạn.
Khi biết nghĩ đến người khác và cho họ giá trị trong giao tiếp, bạn mới trở thành người được yêu mến và trọng dụng.
2. Ba bước thể hiện sự cảm kích
Khi bày tỏ sự cảm kích, nhiều người chỉ có thể nói một từ đơn giản là “cảm ơn”. Cách này tuy rằng không sai nhưng khiến đối phương không thể cảm nhận được thành ý của bạn.
Hãy sử dụng 3 bước dưới đây nếu bạn muốn bày tỏ sự cảm kích với ai đó:
Bước 1: Nói ra điều mà người kia đã giúp đỡ bạn, càng cụ thể càng tốt.
Bước 2: Thể hiện kết quả sự việc sau khi được giúp đỡ giải quyết.
Bước 3: Nói lên cảm nhận của bản thân.
Chỉ với 3 bước đơn giản này, bạn sẽ khiến người khác thỏa mãn khi công sức họ bỏ ra được công nhận. Điều này còn giúp bạn được nhiều người yêu thích và sẵn sàng tiếp tục giúp đỡ khi cần thiết.
3. Ba bước thể hiện sự khích lệ
Trong cuộc sống và công việc, chúng ta thường chứng kiến cảnh bạn bè hoặc những người xung quanh gặp phải khó khăn và trắc trở. Vậy thì làm cách nào để bày tỏ sự khích lệ để cổ vũ và khuyến khích họ vực dậy tinh thần?
Ví dụ: Đồng nghiệp không thể hoàn thành chỉ tiêu trong 2 tháng liền. Bạn nên nói gì để an ủi họ?
Hãy thực hiện theo công thức sau: Tìm ưu điểm + chuyển bối cảnh + nói lời khích lệ.
Thiên tài có thể thành "kẻ điên": Người sở hữu IQ cao nên tránh 6 điều này để tìm thấy hạnh phúc trong bể tri thức, ung dung với thực tại
Bước 1: Tìm ưu điểm.
“Bây giờ bạn đang rất buồn. Tôi rất hiểu cảm giác của bạn trong lúc này. Nhưng điều này chứng tỏ bạn là người có trách nhiệm, có mục tiêu và luôn khát khao hoàn thành tốt công việc”.
Bước 2: Chuyển bối cảnh.
“Lúc trước, tôi cũng giống như bạn, thậm chí thành tích còn tệ hơn, nhưng tôi không bỏ cuộc mà cố gắng học hỏi từ từ. Cứ thế, thành tích của tôi cũng được cải thiện”.
Bước 3: Nói lời khích lệ.
“Mỗi người chúng ta đều gặp phải khó khăn. Điều quan trọng là không được bỏ cuộc, mà phải có lòng tin và quyết tâm đến cùng. Có cố gắng thì bạn mới có cơ hội để hoàn thành mục tiêu”.
Ba bước này có thể thay đổi cảm xúc tiêu cực của người khác theo chiều hướng khả quan hơn, tiếp thêm năng lượng và dũng khí để họ có thể bước tiếp sau thất bại.
4. Ba bước bày tỏ lời khen ngợi
Con người luôn thích được khen ngợi, nhưng "khen" ở đây không phải là nịnh hót để lấy lòng. Nịnh hót là giả tạo, "khen" xuất phát từ sự chân thành.
Trong giao tiếp, biết cách phối hợp thái độ khen thưởng người khác sẽ khiến cuộc nói chuyện trở nên thoải mái hơn.
Vậy thì phải khen ngợi thế nào mới khiến họ cảm nhận được sự chân thành của chúng ta?
Hãy thực hiện theo công thức sau: Lúc bạn làm A..., tôi cảm thấy B…
Ví dụ:
Bạn nấu cho tôi bữa sáng, điều này làm tôi cảm thấy thật sự rất hạnh phúc.
Bạn mang cho tôi cái ô trong ngày mưa bão thế này khiến tôi rất cảm động.
Công thức giao tiếp này không chỉ hạn chế những lời khen sáo rỗng, mà còn có thể giúp chúng ta bày tỏ cảm xúc một cách rõ ràng hơn.
5. Công thức trả lời khi nhận được lời khen
Trong cuộc sống, khi được khen ngợi, nhiều người chỉ phản ứng bằng câu “ngại quá”, “không có gì”, “làm gì có”,... đồng thời kèm theo là sự xấu hổ, mà không biết phải thể hiện thế nào mới đúng.
Trong trường hợp này, bạn chỉ cần áp dụng công thức sau: Cảm ơn + khen ngược trở lại.
Ví dụ: Khi được người lớn khen đẹp, bạn có thể trả lời: “Cảm ơn ạ! Cơ mà mặc dù đã có tuổi nhưng trông cô rất trẻ trung đó ạ”.
Khi được bạn bè khen mình xinh đẹp, bạn có thể vui vẻ đáp: “Tớ thích những người có mắt nhìn lắm đó nha!”.
Người khác chửi một câu, bạn cũng chửi lại một câu. Đây gọi là cãi nhau.
Người khác khen bạn, bạn cũng khen lại người khác. Đây mới là giao tiếp xã hội.
Phương pháp này giúp chúng ta có thêm nhiều bạn bè, làm phong phú quan hệ xã hội.
6. Công thức giải quyết vấn đề
Công thức giải quyết vấn đề như sau: Thể hiện vấn đề + phân tích nguyên nhân + đề ra giải pháp.
Ví dụ: Vợ phàn nàn với chồng: “Sao anh đi công tác nhiều thế?”
“Em nghĩ anh muốn đi lắm hả? Anh đi làm cực khổ cũng vì cái nhà này mà thôi!”. Nếu người chồng đáp trả thế này thì chắc chắn đôi bên sẽ cãi nhau to tiếng.
Trong trường hợp này, bạn chỉ cần áp dụng công thức trên để nói:
Bước 1: Thể hiện vấn đề: “Em à, thời gian này bắt buộc anh phải công tác”.
Bước 2: Phân tích nguyên nhân: “Dự án lần này rất quan trọng. Nếu không làm tốt thì có thể bị sa thải. Ngược lại, nếu làm tốt thì anh có thể được thăng chức, tăng lương”.
Bước 3: Đề ra giải pháp: “Lần này anh sẽ cố gắng giải quyết nhanh nhất có thể. Sau này anh sẽ dành nhiều thời gian cho em hơn”.
Công thức giải quyết vấn đề trong giao tiếp này sẽ khiến mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Giao tiếp là một công cụ giúp chúng ta tiến đến thành công. Người sở hữu EQ cao đều nằm lòng những phương pháp này để đối nhân xử thế, coi nó là “vũ khí” để hướng đến tương lai xán lạn.
(Nguồn: Zhihu)