Chuyên mục  


"Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng

Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa"

Ở Huế có một làng hoa không nở trên cánh đồng trĩu nặng phù sa mà mọc trên những cánh tay khéo léo, tài hoa của người dân nơi đây. Đó là những bông hoa những ngày giáp Tết ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Người dân làng Thanh Tiên mang hoa giấy đi bán. Ảnh: Đình Hoàng.

Ảnh: Đình Hoàng.

Mỗi khi người dân Huế thấy hoa giấy Thanh Tiên xuất hiện trên khắp nẻo đường là biết tết sắp về. Người dân nơi làng này từ già đến trẻ ai cũng là một nghệ nhân thực thụ trong việc kết tinh ra những bông hoa rực rỡ, đầy màu sắc. Mặc dù là làng nghề nhưng nơi đây chỉ sản xuất hoa giấy trong một tháng đó là tháng Chạp và sản phẩm đó họ bán quanh năm.

Làng nghề tồn tại hơn 300 năm - xuất phát từ tín ngưỡng dân gian

Có rất nhiều giai thoại vô cùng thú vị nói về lịch sử hình thành về làng hoa giấy Thanh Tiên. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nghề làm hoa giấy của dân làng Thanh Tiên đã thành hình từ thế kỷ XVIII. Chuyện rằng, khi kiệu hoa của Chiêm vương Chế Mân rước công chúa Huyền Trân từ Thăng Long về làm dâu Chiêm quốc, đi ngang xứ Thuận Hóa trong một ngày cuối đông ảm đạm. Giữa hoang sơ lau lách của miền biên viễn, nàng đã kết những bông hoa bằng giấy ngũ sắc để đón xuân về trong nỗi hoài niệm cố hương. Dân làng Thanh Tiên noi theo tích ấy, hàng năm kết giấy thành hoa, trang trí nhà cửa để đón Tết, lâu dần thành nghề làm hoa xuân.

Ảnh: Hải Nhi.

Nhiều người dân Huế lại cho rằng, sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi một trấn đem về Kinh một loài hoa quý để dâng lên vua. Lúc này trong triều đình có một vị quan, người làng Thanh Tiên, làm ở Bộ Lễ chức Tả Hữu Đồng Nghị, dâng lên nhà vua một loài hoa ngũ sắc với đầy ý nghĩa độc đáo. Nghe xong, nhà vua hiểu được ý nghĩa của loại hoa giấy Thanh Tiên, lấy làm thích thú. Và sau đó, vua ban chiếu khuyến khích người dân làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bày biện, bán lên kinh đô và phổ biến nghề làm hoa giấy cho mọi người biết. Từ đó, nghề làm hoa giấy của làng nổi tiếng khắp đất nước.

Ảnh: Đức Hiếu

Từ đó đến nay, tục làm hoa giấy cứ thế được duy trì ở làng Thanh Tiên vào tháng Chạp. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng trở thành "nghệ nhân" tạo nên những bông hoa rực rỡ màu sắc. 

Làng "hoa" chỉ làm một vụ trong năm mà luôn tươi mới, trải đủ bốn mùa xuân hạ thu đông

Mỗi năm, người làng Thanh Tiên chỉ làm một vụ hoa giấy vào tháng Chạp hàng năm lúc nông nhàn nhưng nguyên liệu luôn được chuẩn bị từ đầu mùa thu. Các nguyên liệu để làm hoa giấy rất đơn giản chỉ cần tre, giấy thủ công. Tre được sử dụng để làm cành hoa, giấy để làm những cánh hoa mềm mại. 

Người dân làng nghề Thanh Tiên bắt đầu làm hoa giấy vào đầu tháng Chạp. Ảnh: Đức Hiếu. 

Về làng Thanh Tiên những ngày giáp Tết, sẽ không khó để bắt gặp những "nghệ nhân" nơi đây đang say sưa, cần mẫn chuẩn bị kỹ lưỡng các công đoạn để tạo ra những bông hoa giấy tinh tế nhất. Các công đoạn để làm được một cành hoa gồm tre (phải là tre lồ ô mới có độ dẻo dai) được vót nhỏ và phơi khô, giấy được nhuộm màu, hoa và nhụy được cắt tỉa một cách tỉ mỉ để khi lấy hồ dán sẽ tạo được một cành hoa hài hòa về màu sắc lẫn bố cục.

Ảnh: Đình Hoàng. 

Nếu như trên bãi đất phù sa đầy hoa tươi đua nở, đủ màu, đủ loại thì ở làng Thanh Tiên những loại hoa ấy cũng hiện diện trên bàn tay khéo léo của người thợ. Họ có thể làm được đủ loại hoa, rất giống với phiên bản hoa tươi.

Hoa giấy Thanh Tiên được làm giống hoa thật. Ảnh: Đức Hiếu.

Những năm gần đây, làng hoa giấy Thanh Tiên được nhiều người biết đến và được đưa vào nhiều chương trình lễ hội đón Tết ở Huế. 

Lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ Ông Công Ông Táo của người Huế

Hoa giấy Thanh Tiên có hai loại: hoa ngũ sắc và hoa sen. Mỗi cặp hoa ngũ sắc có năm loại riêng là hoa mai, hoa cúc, hoa hướng dương, hoa lan, hoa tường vi. Không như hoa ngũ sắc chỉ xuất hiện vào dịp Tết, hoa sen được làm và tỏa sắc quanh năm.

Hoa ngũ sắc có đầy đủ ý nghĩa Tam Cương - Ngũ Thường: Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa, trong đó luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân. 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Ngoài ra, trên chính giữa mỗi cặp hoa đều phải có một quả ớt màu đỏ tươi và một nhánh lá lúa được làm từ tre nhuộm xanh tượng trưng cho ruộng đồng, nông sản.

Ảnh: Đức Hiếu. 

Cô T.Tâm (Thừa Thiên Huế) cho biết: "Cứ đến 23 tháng Chạp, khi đưa ông Táo về trời. Rồi cắm lên ở Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và Ông Táo. Hàng năm hoa cũ bỏ xuống và đốt thay bằng hoa mới, trưng để cho năm mới hanh thông, sáng suốt hơn". Được biết, mỗi cành hoa giấy có giá từ 7.000-10.000 đồng. 

Ảnh: Đức Hiếu.

Ảnh: Đức Hiếu. 

Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Ảnh Đình Hoàng. 

Ảnh: Đình Hoàng.

Trước ngày đưa ông Táo về trời, những bông hoa giấy làm xong sẽ được phụ nữ, trẻ em làng Thanh Tiên mang đi vượt khỏi lũy tre làng để làm đẹp cho đường phố xứ Huế. Nếu có dịp ghé Huế những ngày giáp Tết chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được phố phường trầm mặc, yên tĩnh ngày thường bỗng chốc rạng rỡ, tươi vui hơn nhờ những bông hoa giấy của làng Thanh Tiên tô điểm.

 

https://afamily.vn/cu-den-tet-lang-hoa-giay-thanh-tien-lai-ruc-ro-sac-mau-net-dep-tam-linh-ton-tai-hon-300-nam-o-hue-20220120012850124.chn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020