Tờ The Wall Street Journal đã có được các tài liệu nội bộ từ Facebook, cho biết mạng xã hội này từng suýt bị Apple trừng trị bằng cách xóa bỏ khỏi App Store vào năm 2019.
Nguyên do bắt nguồn từ một cuộc điều tra gây sốc mà hãng tin BBC đăng tải, cho thấy sự tồn tại của "những khu chợ nô lệ", nơi những kẻ buôn người rao bán phụ nữ ngay trên Facebook và Instagram.
Theo điều tra của BBC, những kẻ buôn người đã sử dụng hai nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram để quảng cáo về dịch vụ giúp việc gia đình, nhưng thực chất đây là tấm bình phong cho các hoạt động buôn bán phụ nữ và trẻ em để làm nô lệ hoặc mại dâm.
Hình ảnh những nạn nhân bị những kẻ buôn người đăng tải công khai trên Facebook (Ảnh: BBC).
Theo tài liệu nội bộ mà tờ The Wall Street Journal mới có, Facebook đã biết sự tồn tại của những "khu chợ nô lệ" tồn tại trên nền tảng của mình ngay cả trước khi BCC đăng bài điều tra. Facebook đã thành lập một nhóm điều tra vào năm 2018 và dành hơn một năm để theo dõi các hoạt động buôn bán nô lệ bùng nổ ở Trung Đông; tất cả đều diễn ra trên 2 nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram. Những kẻ buôn người đã chia sẻ hình ảnh, mô tả kỹ năng và thông tin chi tiết của các nạn nhân, cùng với các thẻ hashtag để giúp người mua có thể chọn đúng đối tượng mà chúng muốn.
Tuy biết về sự tồn tại của những "khu chợ nô lệ", nhưng Facebook chỉ xóa đi một số trang Facebook và tài khoản Instagram có liên quan, chứ không hề có giải pháp nào để ngăn chặn những kẻ vi phạm lập tài khoản mới và tiếp tục các hoạt động phi pháp.
Những mặt trái về mạng xã hội Facebook mà BBC đăng tải vào năm 2019 đã khiến Apple tức giận và đe dọa sẽ xóa bỏ Facebook ra khỏi kho ứng dụng App Store. Tuy nhiên, không rõ lý do tại sao Apple sau đó đã không thực hiện điều này, dù trên thực tế Facebook không có sự thay đổi nào để cải tiến tình hình và ngăn chặn hành vi buôn người trên nền tảng của mình.
Theo tờ The Wall Street Journal, Facebook đã cố ý "làm ngơ" trước những hoạt động phi pháp trên nền tảng của mình, bởi lẽ việc tiêu tốn thời gian và tiền bạc để khắc phục vấn đề không mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho Facebook. Bên cạnh đó, sự "ngó lơ" còn giúp Facebook giữ chân được người dùng, giúp đỡ các đối tác kinh doanh hay thậm chí "làm xoa dịu các chính phủ độc tài".
The Wall Street Journal cũng đưa tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) mà Facebook sử dụng trong việc kiểm duyệt nội dung đã không thể phát hiện hầu hết ngôn ngữ được dùng trên nền tảng này. Đây là một yếu tố quan trọng cần có nếu Facebook thực sự nghiêm túc với việc kiểm duyệt nội dung tại các thị trường nước ngoài.
Các tài liệu nội bộ của Facebook cũng cho thấy mạng xã hội này đã bị hạn chế về cách thức hoạt động tại một số quốc gia do rào cản ngôn ngữ và Facebook có rất ít, hoặc thậm chí không có đội ngũ nhân sự nói tiếng địa phương để có thể xác định và ngăn chặn các hành vi phạm tội xảy ra trên nền tảng của mình.
Hiện cả Facebook lẫn Apple đều không đưa ra bình luận gì về nội dung do tờ The Wall Street Journal đăng tải.
T.Thủy - Thế AnhTheo DTrends/M.O, Business Insider