Chuyên mục  


Tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều tham luận đề cập tới việc thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ số trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Tại Báo cáo của Bộ Tư pháp về một số yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế giai đoạn 2021-2026 và định hướng đến năm 2030, Bộ Tư pháp đề xuất nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý thử nghiệm đối với các mô hình kinh doanh mới theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển tinh tế số, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo đảm trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

Việc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm đối với các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo cần bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất với quá trình hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Đề cập tới giải pháp trong tổ chức thực hiện xây dựng thể chế, Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp: tăng cường trao đổi trực tuyến, sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy, thực hiện trao đổi thông tin qua môi trường mạng giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp để giảm thiểu các chi phí, thủ tục không cần thiết, giảm thời gian lưu chuyển hồ sơ, giấy tờ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, điểm nổi bật trong cải cách thuế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là công tác cải cách chính sách thuế luôn đi kèm với việc thực hiện đẩy mạnh cải cách về quản lý thuế.

Công tác quản lý thuế ngày càng được hoàn thiện theo hướng công khai minh bạch, tạo điểu kiện thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ cho đối tượng nộp thuế và cơ quan thuế.

Phương thức quản lý thuế đã được chuyển sang chế độ tự khai, tự nộp, qua đó đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế và cơ quan thuế, từng bước dựa trên nền tảng quản lý rủi ro, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Trong định hướng nội dung cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2025, một trong các mục tiêu được Bộ Tài chính đề ra là công tác quản lý thuế được thực hiện thống nhất, minh bạch dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; Nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; Công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Tạo điều kiện phát triển hướng tới chính phủ số

Để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn mới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nhiều quy định hiện hành phải được thay thế, bổ sung, đồng thời nhiều quy định mới cần được xây dựng để tạo điều kiện phát triển hướng tới chính phủ số.

Theo đó, hoàn thiện chính sách pháp luật về chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và kinh tế số cần hoàn thiện xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hạ tầng số phục vụ cho phát triển của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

[Thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ điện tử, Chính phủ số]

Hoàn thiện xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về hoạt động giao dịch điện tử và bổ sung các nội dung mới của hoạt động kinh tế số như kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, mô hình kinh tế số ngành/lĩnh vực.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Lưu trữ để có quy định về lưu trữ điện tử, tạo điều kiện pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn trong hoạt động và quy trình làm việc của các cơ quan, tổ chức nhà nước.

Nghiên cứu, xây dựng Luật Chính phủ số và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo điều kiện phát triển chính phủ số.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ban hành Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước để có các quy định phù hợp, cung cấp các dịch vụ số đa dạng, thuận tiện hơn, tăng cường sự tương tác với người dân và doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ được đánh giá dựa trên mức độ hài lòng của người dùng.

Ban hành Nghị định của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử, và hoàn thiện hành lang pháp lý để phổ cập danh tính số.

Ban hành Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ- CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước để phù hợp với xu thế phát triển chính phủ số và định hướng chuyển đổi số của Việt Nam.

Bảo đảm môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi. Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật.

Không gian thí điểm dịch vụ số là không gian số cho phép mọi sản phẩm, dịch vụ số sáng tạo, chưa được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật có thể triển khai thí điểm với điều kiện được giám sát chặt chẽ bằng công nghệ về phạm vi, quy mô và mô hình hoạt động.

Khi đạt đến quy mô nhất định, tổ chức đánh giá để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết.

Bảo đảm môi trường pháp lý để mọi người dân, doanh nghiệp tham gia bình đẳng vào quá trình chuyển đổi số, được bảo vệ an toàn thông tin và dữ liệu riêng tư, được sử dụng mã số điện tử gắn với QR code thuận lợi.

Để sớm hoàn thiện khung pháp lý giúp đẩy nhanh quá trình phát triển chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số và kinh tế số là những vấn để mới, các nước trên thế giới cũng đang trong quá trình thảo luận để xây dựng thế chế cho các hoạt động này, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để các chính sách pháp luật này được sớm đưa vào các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội XV và chương trình làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyên thông trong công tác xây dựng các cơ chế, chính sách về chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và kinh tế số để bảo tính toàn diện, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thực thi chính sách.

Tăng cường công tác hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước trên thế giới để có điều kiện trao đổi, học hỏi và cùng hoàn thiện khung thể chế cho các hoạt động này./.

PV (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020