Nông dân chăm sóc cây non. Ảnh: Liên minh châu Phi.
Sa mạc nóng lớn nhất thế giới đang không ngừng mở rộng. Trong thế kỷ qua, sa mạc Sahara đã mở rộng hơn 10%, hiện nay bao phủ diện tích hơn 8,6 triệu km2 và trải rộng qua 11 nước ở Bắc Phi.
Khu vực Sahel, vành đai bán khô cằn đóng vai trò như vùng đệm ở phía nam sa mạc, bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nước vốn đã khan hiếm trở nên ngày càng ít hơn. Chất lượng đất dần xuống cấp. Việc thiếu cây cối dẫn tới mất an ninh lương thực. Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 135 triệu người phụ thuộc vào vùng đất cằn cỗi này đang đối mặt với nguy cơ.
Nhưng một kế hoạch tham vọng do Liên minh châu Phi đề xuất năm 2007 có thể giúp ngăn chặn cát nóng và bảo vệ các cộng đồng dân ở Sahel. Trong thập kỷ tới, sáng kiến Bức tường xanh vĩ đại (Great Green Wall) hướng tới khôi phục 100 triệu hecta đất giữa Senegal ở hướng tây và Djibouti ở hướng đông, tạo ra hàng cây rộng 15 km và dài hơn 8.000 km.
Sau thời gian dài gặp khó khăn về ngân sách, dự án trải qua bước ngoặt quan trọng vào tháng 1/2021 với khoản kinh phí mới 14 tỷ USD từ Pháp, Ngân hàng Thế giới và nhiều nguồn quyên góp khác, chiếm gần một nửa tổng kinh phí 33 triệu USD mà Liên Hiệp Quốc ước tính cần sử dụng để đạt mục tiêu năm 2030. Nếu hoàn thành, bước tường sẽ dài hơn gấp 3 lần rạn san hô Great Barrier, cấu trúc đơn lớn nhất tạo bởi sinh vật sống trên Trái Đất.
Chỉ còn 9 năm trước khi tới thời hạn, dự án vẫn còn chặng đường dài cần vượt qua. Hiện có 4 triệu hecta đất đã được khôi phục, bằng 4% mục tiêu. Con số nâng lên gần 20 triệu hecta nếu tính cả những vùng đất bên ngoài khu vực quy hoạch chính thức.
Các nước đã thử nhiều biện pháp bảo tồn như tái trồng rừng, nông lâm kết hợp, tạo nền đất cao, cố định đụn cát, kỹ thuật ngăn cát xâm lấn trong thời gian đủ lâu để thực vật tự nhiên định hình. Họ cũng tiến hành bảo vệ nguồn cung cấp nước, khoa hố và xây dựng hệ thống tưới tiêu. Ethiopia là nước khôi phục nhiều đất nhất, trồng 5,5 tỷ cây xanh, phủ xanh hơn 150.000 hecta đất và tạo ra 700.000 hecta mô đất cao. Tất cả hợp thành khu vực rộng hơn gấp 5 lần London.
"Chúng tôi mất hơn một thập kỷ để thỏa thuận với các nước và lập mọi biện pháp", Elvis Paul Tangem, điều phối viên sáng kiến Bức tường xanh vĩ đại của Ủy ban Liên minh châu Phi, cho biết. "Nhưng giờ đây chúng tôi đã đặt xong nền móng. Chúng tôi đang theo dõi những gì làm được và chưa làm được. Chúng tôi đang trên đường hoàn thành mục tiêu".
Tangem cho biết một trong những bài học lớn nhất từ quá trình làm dự án là hợp tác với cộng đồng. "Chúng tôi đến gặp các cộng đồng ở tuyến đầu, xem xét nhu cầu của họ cũng như tập tục tồn tại suốt nhiều thế kỷ", Tangem chia sẻ. Sarah Toumi, nhà môi trường học người Pháp - Tunisia, cũng đồng ý một dự án quy mô lớn như vậy chỉ khả thi nếu người dân địa phương hợp tác.
Việc liên kết các cộng đồng và truyền đạt giá trị của công tác tái tạo đất đóng vai trò thiết yếu đối với tính bền vững của dự án. Toumi và đồng nghiệp tham gia dạy nông dân cách thu hoạch lá, quả và nhựa cây để kiếm sống. Ngoài cải tạo đất, mục tiêu của dự án còn bao gồm tạo ra 10 triệu việc làm ở vùng nông thôn. Đến nay, dự án đã cung cấp 335.000 việc làm, thu nhập từ trồng rừng và cây ăn quả đạt 90 triệu USD, theo Liên Hiệp Quốc.
An Khang (Theo CNN)