Ánh trăng khiến nhiều loài vật thay đổi hành vi. Ảnh: Warawut Klinjun
Chu kỳ Mặt Trăng gián tiếp ảnh hưởng đến hành vi của một số động vật khi thủy triều lên xuống vì khiến chúng không thể tiếp cận những khu vực dễ kiếm ăn như bãi bùn ven biển. Nhưng ánh sáng từ Mặt Trăng cũng tác động trực tiếp đến hành vi động vật.
Ví dụ, với những loài dựa vào thị giác để kiếm ăn, ánh trăng là một tài nguyên quý. Với những loài có nguy cơ bị giết vào ban đêm, đây lại là mối đe dọa. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences tháng 10/2024, ánh trăng dường như ảnh hưởng đến hành vi của động vật có vú ngay cả ở nơi cực kỳ tối tăm như nền rừng nhiệt đới.
Anders Hedenström, giáo sư sinh thái học lý thuyết tại Đại học Lund, liệt kê 5 loài vật có phản ứng thú vị với ánh sáng Mặt Trăng.
Phù du ở châu Phi
Phù du (Povilla adusta) ở hồ Victoria, Đông Phi, đồng bộ hóa hoạt động giao phối với Mặt Trăng. Loài côn trùng này xuất hiện với số lượng lớn sau khi kết thúc giai đoạn ấu trùng dưới nước (kéo dài 4 - 5 tháng), khoảng hai ngày sau trăng tròn. Khi trưởng thành về mặt sinh sản, chúng chỉ sống được 1 - 2 giờ. Do đó, chúng phải nhanh chóng thể hiện, giao phối và đẻ trứng trước khi chết.
Phù du sử dụng chu kỳ Mặt Trăng như chiếc đồng hồ giúp đảm bảo rằng bạn tình tiềm năng sẽ có mặt. Sau đó, ánh trăng cũng giúp chúng hoàn thành các nhiệm vụ khẩn cấp.
Phù du bám vào lá cây trên bờ sông Otonabee, Canada. Ảnh: Nina Munteanu
Cú muỗi
Cú muỗi là nhóm chim săn côn trùng bay vào lúc hoàng hôn và bình minh. Nhóm nghiên cứu của Hedenström đã theo dõi cú muỗi châu Âu (Caprimulgus europaeus) khi bay (cả lúc kiếm ăn lẫn di cư) trong một năm với gia tốc kế - một loại cảm biến chuyển động.
Kết quả, trong thời kỳ trăng tròn, cú muỗi kéo dài thời gian kiếm ăn đến đêm, có lẽ để bắt nhiều côn trùng hơn dưới ánh trăng. Trong thời kỳ này, khi có thêm thời gian kiếm ăn, chúng cũng ở lại địa phương.
Sau đó, bước vào giai đoạn trăng khuyết khoảng 12 ngày, khi cơ hội kiếm ăn dần biến mất, cú muỗi bắt đầu thực hiện những chuyến bay dài giữa châu Âu và miền nam châu Phi trong các mùa di cư xuân và thu.
Mặt Trăng cũng quyết định khi nào cú muỗi đẻ trứng. Chúng muốn trứng nở vào lúc trăng tròn để có điều kiện kiếm ăn tốt nhất khi các con non cần thức ăn nhất.
Chim yến
Chim yến đen (Cypseloides niger) xây tổ trên gờ và hốc của những vách đá xa xôi ở miền tây Mỹ và Canada. Cuộc di cư của chúng ít được biết tới cho đến năm 2012, khi các nhà khoa học dùng máy định vị địa lý mức ánh sáng để theo dõi và phát hiện, chim yến sinh sản ở dãy núi Rocky di cư đến Amazon, tây Brazil.
Chim yến châu Âu (Apus apus) bay liên tục 10 tháng, khi không sinh sản, bao gồm cả cuộc di cư giữa châu Âu và vùng châu Phi nhiệt đới. Trong một nghiên cứu năm 2022, để kiểm tra điều này có đúng với chim yến đen hay không, các nhà khoa học gắn cho chúng thiết bị ghi dữ liệu đa cảm biến.
Kết quả, chim yến đen không chỉ bay suốt 8 tháng di cư và trú đông mà còn thực hiện một hành vi bất ngờ. 10 ngày xung quanh mỗi dịp trăng tròn, trong giai đoạn không sinh sản, chúng bay lên độ cao lớn (3.000 - 4.000 m) sau hoàng hôn và ở đó suốt đêm. Nhưng xung quanh mỗi dịp trăng non, chúng bay ở độ cao tương đối thấp.
Dữ liệu gia tốc bay cho thấy chim yến bay tích cực hơn trong những thời điểm sáng hơn, khi ở độ cao lớn, so với khi bay trong bóng tối. Điều này cho thấy chúng bắt được nhiều côn trùng hơn và sử dụng nhiều năng lượng hơn vào dịp trăng tròn.
Nhờ sự trùng hợp may mắn, nguyệt thực đã xảy ra trong quá trình nghiên cứu vào đêm 20 - 21/1/2019, khi 5 con chim yến đen đang bay cao dưới ánh trăng. Khi Mặt Trăng bị bóng Trái Đất che khuất, tất cả chúng đều phản ứng bằng cách hạ xuống nhanh chóng.
Chim yến đen bay giữa không trung. Ảnh: Michael Bolte/Thư viện Macaulay
Cú lợn lưng xám
Cú lợn lưng xám (Tyto alba) có hai màu đỏ và trắng. Con mồi chính của chúng, chuột đồng, dễ dàng trông thấy cú hơn dưới ánh trăng và phản ứng bằng cách bất động trong giây lát. Một nghiên cứu năm 2019 chỉ ra, dưới ánh trăng, nếu là cú đỏ, cơ hội chuột đồng thoát thân khá lớn.
Nhưng nếu là cú trắng, chuột đồng bị lóa mắt bởi ánh trăng phản chiếu từ lông cú và bất động lâu hơn. Cú trắng do đó thành công hơn cú đỏ khi bắt chuột đồng dịp trăng tròn, đồng nghĩa con non của chúng ít có nguy cơ chết đói hơn.
Bọ hung
Bọ hung châu Phi (Scarabaeus zambesianus) thu thập phân voi và tạo thành khối tròn để nuôi dưỡng con non. Sau đó, nó lăn những quả bóng này ra khỏi đống phân để tránh sự cạnh tranh từ các con bọ khác. Cách hiệu quả nhất là lăn theo đường thẳng.
Sau hoàng hôn, khi thiếu Mặt Trời và mẫu hình phân cực của nó (mắt người không thể thấy), bọ hung sử dụng mẫu hình phân cực mờ hơn nhiều xung quanh Mặt Trăng để duy trì lối thoát thẳng. Điều này hiệu quả hơn nhiều dưới ánh trăng tròn.
Trong một nghiên cứu năm 2003, sử dụng bộ lọc ống kính máy ảnh phân cực, nhóm chuyên gia thành công đổi hướng của mẫu hình phân cực trăng tròn, khiến bọ hung cũng thay đổi hướng đi. Trong khi đó, vào những đêm tối gần thời điểm trăng non, bọ hung không thể duy trì đường thẳng mà đi theo những đường ngoằn ngoèo.
Thu Thảo (Theo Conversation)