Thông tin trên được PGS-TS-BS- Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong y khoa: Vấn đề và cách tiếp cận" năm 2022 do trường tổ chức.
Theo bác sĩ Hiệp, công nghệ 4.0 là xu hướng của cả thế giới. Hiện nay các trường đại học ở các nước phát triển như Úc đang xây dựng ngành nghề cơ sở dữ liệu sâu. Trong lĩnh vực y tế có mảng công nghệ thông tin y tế. Thường khi học công nghệ thông tin phần lớn sẽ liên quan đến lập trình nhưng trong y tế, ngoài kiến thức công nghệ, lập trình viên cần được đào tạo và am hiểu về kiến thức y khoa.
"Thực tế, một số bệnh viện đã tự đầu tư lớn để đáp ứng nhu cầu vận hành bệnh viện với đội ngũ IT đông đảo cùng phần cứng, phần mềm hiện đại. Tuy nhiên, quy mô này chỉ gói gọn và đáp ứng được trong một đơn vị riêng lẻ. Ngoài ra, đang có rất nhiều phần mềm và cách ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin khác nhau giữa các đơn vị y tế, cho thấy chưa có một định hướng chung mang tầm quốc gia" - bác sĩ Hiệp nói.
Đại biểu tham dự hội thảo "Chuyển đổi số trong Y khoa: Vấn đề và cách tiếp cận". Ảnh: Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Từ yêu cầu này của xã hội, trường đang xây dựng mã ngành mới này - chưa có ở Việt Nam. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch muốn xây dựng và đóng góp một hệ thống có tính ứng dụng cao, và quan trọng hơn là đào tạo đội ngũ thực hành trong tương lai về công nghệ thông tin trong y khoa bài bản và chuyên nghiệp. Cùng với đó, đội ngũ IT đang làm việc tại các đơn vị y tế cũng cần được đào tạo, cập nhật kiến thức liên tục để có thể hội nhập tốt với thế giới.
Cụ thể, ngành mới bao gồm hai nội dung chính. Thứ nhất, là trang bị các kiến thức công nghệ thông tin, hỗ trợ các sinh viên y khoa, các bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, II, các nghiên cứu sinh học cách xây dựng, đánh giá và tích hợp các mô hình dự đoán có khả năng thay đổi kết quả trong chăm sóc sức khoẻ và chẩn đoán - điều trị; học cách xây dựng các mô hình phân tích dữ liệu y - sinh học trong học tập và nghiên cứu chuyên sâu.
Thứ hai, là xây dựng các công cụ, nền tảng (platform) cho phép phát triển các hệ thống hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cũng như hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị trong ngành y. Đặc biệt là hỗ trợ các nhà nghiên cứu, sinh viên y khoa tập hợp, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu y khoa nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các luật Việt Nam và quốc tế như GPDR, HIPAA trong bảo vệ thông tin cá nhân, đảm bảo tính riêng tư dữ liệu, danh tính bệnh nhân.
PGS.TS. Sumonta Kasemvilas – Trường Khoa học máy tính, Đại học Khon Kaen (Thái Lan) chia sẻ kinh nghiệm về “Hệ sinh Thái Sự sống bao hàm hệ y tế thông minh”. Ảnh: Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực chuyển đổi số trong y - sinh cũng như trong giáo dục 4.0, như GS Sumonta (Thái Lan); GS Trần Đan Thư, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ và Công ty GlobeDoctor; GS Nguyễn Đức Hoàng, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP HCM…