Chuyên mục  


Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ phóng hôm 14/7 và đặt mục tiêu đáp xuống gần cực nam Mặt Trăng ngày 23/8. Ảnh: ISRO/EPA

Tên lửa LVM3 đưa trạm đổ bộ Vikram của chương trình Chandrayaan-3 bay lên từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan lúc 16h05 ngày 14/7 (giờ Hà Nội). Trạm đổ bộ tăng dần độ cao, sau đó khai hỏa động cơ vào ngày 31/7 để hướng tới Mặt Trăng. Nó đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng hôm 5/8.

Vikram tiếp tục tới gần Mặt Trăng hơn vào ngày 20/8, sau khi hoàn thành thao tác de-boosting (giảm tốc để điều chỉnh vị trí trên quỹ đạo) cuối cùng. Với thao tác này, trạm đổ bộ đã tới quỹ đạo mà điểm gần Mặt Trăng nhất là 25 km và xa nhất là 134 km. Nó dự kiến đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lúc 19h34 ngày 23/8 (giờ Hà Nội).

Các nhà phân tích và nhà điều hành dự đoán, nếu thành công, đây sẽ là sự thúc đẩy nhanh chóng cho ngành công nghiệp vũ trụ còn non trẻ của quốc gia Nam Á này, theo Reuters.

Các nước chi bao nhiêu tiền cho chương trình Mặt Trăng?

Trước đó chưa đầy hai tuần, tàu vũ trụ Luna-25 của Nga, đã đi đúng hướng để đến Mặt Trăng trước. Tuy nhiên, Roscosmos mất liên lạc với con tàu hôm 19/8, sau đó tuyên bố nhiệm vụ thất bại vào ngày hôm sau. Con tàu đã đâm xuống bề mặt Mặt Trăng, nhiều khả năng cũng chôn theo nguồn tài trợ cho nhiệm vụ kế tiếp.

Cuộc cạnh tranh nhắm đến cực nam Mặt Trăng, khu vực chưa từng được khám phá trước đây, gợi nhớ đến cuộc chạy đua vũ trụ những năm 1960 giữa Liên Xô và Mỹ. Nhưng giờ đây, không gian cũng là một lĩnh vực kinh doanh và cực nam Mặt Trăng là một phần thưởng lớn với lượng băng nước tiềm năng. Giới chuyên gia kỳ vọng nguồn tài nguyên này có thể hỗ trợ cho việc định cư trên Mặt Trăng, hoạt động khai thác mỏ và các nhiệm vụ tới sao Hỏa.

Với sự thúc đẩy của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã tư nhân hóa các vụ phóng không gian và đang tìm cách mở cửa lĩnh vực này với đầu tư nước ngoài. Nước này đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần thị phần trên thị trường phóng quốc tế trong thập kỷ tới.

Nếu Chandrayaan-3 thành công, các nhà phân tích kỳ vọng lĩnh vực vũ trụ của Ấn Độ sẽ tận dụng được danh tiếng về công nghệ giá rẻ. Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) có ngân sách chỉ khoảng 74 triệu USD cho nhiệm vụ này. Trong khi đó, NASA ước tính chi khoảng 93 tỷ USD cho chương trình Mặt Trăng Artemis đến năm 2025, theo văn phòng tổng thanh tra thuộc NASA.

cac-nuoc-chi-bao-nhieu-tien-cho-chuong-trinh-mat-trang-1692777251.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C0IwojpTS3-Kt5WL1ES43A
Các nước chi bao nhiêu tiền cho chương trình Mặt Trăng?

Tàu Luna-25 rời bệ phóng. Video: Global News

Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây do chiến sự Ukraine và sự cô lập ngày càng tăng, Nga vẫn có thể phóng Luna-25 thực hiện nhiệm vụ Mặt Trăng. Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ khả năng đầu tư cho nhiệm vụ tiếp theo của nước này. Hiện tại, Nga không tiết lộ số tiền đã chi cho Luna-25.

"Chi phí cho khám phá không gian giảm một cách có hệ thống từ năm này qua năm khác", Vadim Lukashevich, một chuyên gia độc lập về vũ trụ tại Moscow, cho biết. Ông nói thêm rằng ưu tiên ngân sách của Nga cho chiến sự Ukraine khiến việc lặp lại Luna-25 cực kỳ khó xảy ra.

Nga từng cân nhắc tham gia chương trình Artemis của NASA cho đến năm 2021, khi nước này tuyên bố sẽ hợp tác với Trung Quốc trong chương trình khám phá Mặt Trăng. Trung Quốc từng làm nên lịch sử khi hạ cánh thành công ở phía xa Mặt Trăng năm 2019 và có nhiều nhiệm vụ khác được lên kế hoạch. Trung Quốc đã chi 12 tỷ USD cho chương trình không gian vào năm 2022, theo ước tính của công ty nghiên cứu vũ trụ Euroconsult.

Mô phỏng cuộc đổ bộ Mặt Trăng trong tương lai của chương trình Artemis. Ảnh: NASA

NASA đã mở cửa cho đầu tư tư nhân từ sớm, mở đường để Ấn Độ áp dụng chiến lược tương tự. Ví dụ, công ty SpaceX của Elon Musk đang phát triển tên lửa Starship cho hoạt động phóng vệ tinh thương mại và đưa phi hành gia NASA lên bề mặt Mặt Trăng theo hợp đồng trị giá 3 tỷ USD. Ngoài hợp đồng đó, Musk cho biết, SpaceX sẽ chi khoảng 2 tỷ USD cho Starship trong năm nay.

Các công ty vũ trụ Mỹ Astrobotic và Intuitive Machines (LUNR.O) đang chế tạo tàu đổ bộ dự kiến phóng tới cực nam Mặt Trăng cuối năm nay hoặc năm 2024. Một số công ty như Blue Origin của Jeff Bezos và Axiom Space đang phát triển những trạm vũ trụ do tư nhân tài trợ để kế nhiệm Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Hôm thứ 21/8, Axiom cho biết, họ đã huy động được 350 triệu USD từ các nhà đầu tư Arab Saudi và Hàn Quốc.

Không gian vẫn còn nhiều rủi ro. Nỗ lực hạ cánh xuống Mặt Trăng gần đây nhất của Ấn Độ, nhiệm vụ Chandrayaan-2, đã thất bại vào năm 2019. Cũng trong năm 2019, một startup Israel đã thất bại trong nhiệm vụ đáng lẽ có thể trở thành chuyến đổ bộ Mặt Trăng đầu tiên do tư nhân tài trợ. Startup ispace của Nhật Bản cũng hạ cánh thất bại trong năm nay.

"Như chúng ta thấy, hạ cánh trên Mặt Trăng rất khó. Trong vài năm qua, Mặt Trăng dường như đang ăn thịt tàu vũ trụ", giáo sư Bethany Ehlmann tại Viện Công nghệ California, người đang làm việc với NASA trong nhiệm vụ lập bản đồ cực nam Mặt Trăng và băng nước năm 2024, nhận xét.

Thu Thảo (Theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020