Chuyên mục  


Thuyền Mỹ sốc điện khiến cá chép thi nhau nhảy lên mặt nước

Sốc điện là biện pháp phổ biến để đếm số lượng hoặc gắn thẻ theo dõi cho cá, theo Sở Tài nguyên Sinh vật hoang dã và Cá Kentucky. Cá sẽ không chết mà chỉ choáng tạm thời và bị bắt lên.

"Việc này nhằm giúp mọi người nắm được có bao nhiêu cá chép dưới đập. Chúng tôi thu gom và cố gắng phân phối chúng cho những người mua", Ron Brooks tại Sở Tài nguyên Sinh vật hoang dã và Cá Kentucky cho biết. Cá chép có thể bán làm thực phẩm cho con người hoặc dùng làm mồi câu, phân bón.

Cá chép châu Á là động vật ngoại lai xâm lấn được các nông dân đưa tới Mỹ những năm 1970. Chúng đang xâm chiếm các vùng nước ở bang Mississippi, Illinois và Missouri. Số lượng cá chép tăng chóng mặt và tranh giành thức ăn với các loài cá khác.

"Trước đây nông dân được đưa cá chép châu Á và cá mè trắng Hoa Nam tới Mỹ để đối phó với hiện tượng tảo nở hoa. Họ cũng bán chúng cho những khu chợ dân tộc, ví dụ chợ người Hoa. Họ không biết rằng cá sẽ thoát ra khỏi hồ nước và nhanh chóng xâm nhập vào hệ thống sông. Cá chép được đưa đến vì mục đích tốt, nhưng những người đưa cá chép đến không ngờ chúng sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng như vậy", Brooks giải thích.

Cá chép rất nhạy cảm với tiếng ồn nên khi động cơ thuyền khuấy động nước, chúng sẽ nhảy lên. Cá mè trắng Hoa Nam, loài vật thuộc họ cá chép, có thể nhảy cao đến ba mét. Đôi khi chúng làm hư hại thuyền đánh cá, làm hỏng các thiết bị, thậm chí gây thương tích cho con người.

Kentucky và Tennessee đang phối hợp để kiểm soát sinh vật ngoại lai này với sự trợ giúp của các công ty và cá nhân đánh bắt cá thương mại. Các nhà chức trách đang phát triển một dự án thử nghiệm nhằm ngăn cá xâm nhập hồ nước Barkley.

Theo đó, một hàng rào âm thanh sinh học sẽ được xây dựng, sử dụng bong bóng, âm thanh và ánh sáng để buộc cá chép chuyển hướng bơi ra xa. Loại rào chắn này đã được dùng ở miền tây nước Mỹ và châu Âu để đổi hướng di cư của cá hồi, nhưng chưa từng được dùng với cá chép, Brooks cho biết.

Một biện pháp khác là khuyến khích ngư dân đánh bắt cá chép thương mại, khiến số lượng của chúng giảm đi. "Năm nay, chúng tôi hy vọng bắt được ít nhất 2,3 nghìn tấn cá chép châu Á", Brooks nói.

Thu Thảo (Theo CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020