Chuyên mục  


Hai cá thể tê giác trắng phương Bắc cuối cùng còn sống hiện nay. Ảnh: AFP.

Các nhà khoa học tại Kenya đã thành công trong quá trình lấy trứng của 2 cá thể tê giác phương Bắc cuối cùng còn sống hiện nay để duy trì nòi giống của loài vật đang ở bờ vực tuyệt chủng. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới các nhà khoa học tiến hành lấy trứng và thụ tinh nhân tạo loài tê giác trắng.

Theo kế hoạch, trứng của 2 cá thể tê giác này sẽ được dùng để thụ tinh nhân tạo với tinh trùng được lấy ra từ cá thể đực cuối cùng của loài tê giác phương Bắc đã chết hồi tháng 3/2018. Hiện trứng của 2 cá thể tê giác cái đang được bảo quản nghiêm ngặt tại Italy.

Ông Richard Vigne, Giám đốc khu bảo tồn OI Pejeta tại Kenya - nơi đang chăm sóc 2 cá thể tê giác phương Bắc cuối cùng, cho rằng đây là dấu mốc lịch sử trong nỗ lực đưa loài vật sắp tuyệt chủng này trở lại thiên nhiên. Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu phương pháp thụ tinh nhân tạo tối ưu nhất để có thể sinh ra một đàn tê giác với khoảng 20 cá thể. Nếu thành công, đàn tê giác trắng sẽ tiếp tục được nhân giống với số lượng đủ để có thể thả về môi trường tự nhiên tại khu vực Trung Phi.

Tuy nhiên việc thụ tinh nhân tạo cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của 2 cá thể tê giác cái này bởi tình trạng sức khỏe hiện tại của chúng không được ổn định. Trong trường hợp sức khỏe của 2 cá thể tê giác này không phù hợp để mang thai, các nhà khoa học sẽ cố gắng tạo ra giao tử nhân tạo thông qua việc chuyển đổi tế bào gốc từ mô đông lạnh của tê giác trắng phương Bắc khác.

Trong khi loài tê giác trắng phương Nam hiện còn khoảng 20.000 cá thể chủ yếu phân bố tại Nam Phi, số lượng tê giác trăng phương Bắc bị sụt giảm nghiêm trọng do nạn săn bắt và bị mất sinh cảnh. Từ năm 2006, không còn ghi nhận bất kỳ cá thể tê giác trắng nào sinh sống ngoài tự nhiên.

Nguyễn Xuân ( Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020