Chuyên mục  


Sáng 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế như Viettel, PVN, TTC, Masan... và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao các doanh nghiệp, doanh nhân và quý vị đại biểu đã đóng góp nhiều đề xuất, ý kiến rất hay, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ, sát thực tế và mang tính xây dựng.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để trình ban hành thông báo kết luận của Hội nghị, nhằm kịp thời xử lý, giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp, doanh nhân, giao các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho đất nước và cho doanh nghiệp, doanh nhân.

img0409-1728004894658427866397-1728016030382-1728016030528717429044.jpg

Thủ tướng đánh giá, hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đánh giá về đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân , Thủ tướng nêu rõ: Chúng tôi rất vui mừng, tin tưởng và tự hào về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh và trưởng thành, và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm thiết thực, kịp thời, cả trước mắt và lâu dài với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Từ Đại hội lần thứ IX, Đảng đã đề cập đến vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó nhấn mạnh: "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh."

Chính phủ luôn bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, chính đáng. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Thủ tướng nêu một số điểm sáng cho thấy sự phát triển, vươn mình mạnh mẽ và đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Thứ nhất, sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ; số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong vòng 20 năm (2004-2023) đã đạt hơn 1,88 triệu, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004. Số doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng đầu năm 2024 là trên 110.000, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính số doanh nghiệp thành lập mới năm 2024 sẽ vượt con số 159.000 của năm 2023, là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục. Lũy kế giai đoạn 2000 - 2024, số doanh nghiệp thành lập mới dự báo sẽ vượt con số 2,1 triệu. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tăng khoảng 8,4 lần, từ 1,1 doanh nghiệp/1000 dân năm 2004 lên 9,2 doanh nghiệp/1000 dân năm 2023.

Thứ hai, các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Đã có các doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thương hiệu quốc gia, như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, THACO, Hòa Phát, TH, Vinamilk, Masan...

Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyền đổi xanh, chuyên đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.

Thứ ba, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hay tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và luôn nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, vượt khổ, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh thách thức để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, sinh kế cho người dân.

Thứ tư, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ năm, các doanh nghiệp, doanh nhân đã thường xuyên, tích cực đóng góp vào việc thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng chính sách và pháp luật.

Thứ sáu, trong năm 2024 có nhiều khó khăn, thách thức (do hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19; cạnh tranh chiến lược, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trên toàn cầu; thiên tai, biến khổi khí hậu), các doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và gần đây đã tự nguyện, tự giác góp phần khắc phục hậu quả bão số 3.

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua.

Thời gian tới, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Thứ hai, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị của đất đai.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng

Thứ tư , hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Thứ năm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.

Thứ sáu, xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển nhanh, bền vững trong thời đại hòa bình.

"Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong.

Thứ nhất , tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực).

Thứ hai, tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…)

Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, bảo đảm đủ năng lượng, cung cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển).

Thứ tư, tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

Thứ năm, tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không bỏ ai bị bỏ lại phía sau, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.

"Với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chúng ta hãy:"Cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển", "cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào" ", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

"Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần này bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao", Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020