Bàn tay của robot massage được thiết kế với kích thước và hình dạng tương tự bàn tay người. Ảnh: Yuan Xu/Kui Huang/Weichao Guo/Leyi Du
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Khoa học Thượng Hải phát triển thành công robot mới sử dụng kỹ thuật y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) để massage cho người bệnh. Robot này có thể trở thành công cụ trị liệu bổ sung tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, Interesting Engineering hôm 29/12 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí arXiv.
"Chúng tôi áp dụng thuật toán kiểm soát độ nhạy thích ứng để tối ưu hóa kiểm soát lực và vị trí, giải quyết những thách thức như sự thay đổi tư thế của bệnh nhân và khác biệt về độ cứng cơ, đảm bảo tính an toàn và thoải mái", các tác giả nghiên cứu Yuan Xu, Kui Huang, Weichao Guo và Leyi Du cho biết.
Robot mới sử dụng các cánh tay robot jaka zhu7, mỗi cánh tay trang bị một bàn tay massage đa năng, được thiết kế tỉ mỉ để mô phỏng kích thước và hình dạng của tay người. Theo nhóm nghiên cứu, bàn tay robot có 4 chế độ hoạt động, mỗi chế độ mô phỏng các kỹ thuật massage TCM khác nhau, nắm bắt khái niệm về tạng phủ và kinh lạc.
Bàn tay robot có thể thực hiện các chức năng gồm đấm lòng bàn tay, rung, xoa bóp và sử dụng kỹ thuật ngón tay. Mỗi chức năng yêu cầu những công cụ khác nhau. Ví dụ, với chức năng xoa bóp, một động cơ xoa bóp được thiết kế đặc biệt cho phép robot véo lưng người bệnh.
Để phát triển robot mới, nhóm nghiên cứu trước tiên quan sát và thu thập dữ liệu từ những chuyên gia massage TCM. Điều này được thực hiện bằng cách kết hợp công nghệ bắt chuyển động và cảm biến lực. Dữ liệu sau đó được sử dụng để huấn luyện một thuật toán học máy, cuối cùng tạo thành "bộ não" của robot mới.
"Thông qua việc giới thiệu những công nghệ này, nghiên cứu cung cấp sự hỗ trợ về lý thuyết và cả chỉ dẫn thực tiễn cho việc triển khai kỹ thuật massage bằng robot, thúc đẩy kết hợp massage cổ truyền Trung Quốc với robot hiện đại, mở ra triển vọng mới cho các phương pháp trị liệu hỗ trợ", nhóm nghiên cứu giải thích.
Xu, Huang, Guo và Du đã thử nghiệm robot để đánh giá khả năng tái tạo chính xác nhiều kỹ thuật massage TCM khác nhau. Kết quả cho thấy, robot thực hiện hiệu quả cả 4 kỹ thuật massage chính.
Nhóm chuyên gia hy vọng sẽ thử nghiệm robot trên người để đánh giá kỹ hơn năng lực và xem xét phản ứng của bệnh nhân. Họ cũng mong rằng robot sẽ giúp khuyến khích những nghiên cứu sâu hơn về hệ thống massage tự động, có thể bao gồm cả các kiểu massage khác.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)