Chuyên mục  


Bể chứa nước nhiễm xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ảnh: AFP.

Hôm 9/8, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thông báo sẽ xây thêm bể chứa nước nhiễm xạ, nhưng số bể xây mới chỉ đủ chứa thêm 1,37 triệu tấn nước. Các bể sẽ không còn chỗ chứa vào mùa hè năm 2022, hai năm sau khi Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Mùa hè.

Sau trận động đất mạnh năm 2011, ba lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhận Fukushima Dai-ichi bị tan chảy, khiến nước nhiễm xạ rò rỉ, ngấm vào nguồn nước ngầm và nước mưa ở nhà máy. Lượng nước này đã qua xử lý nhưng vẫn nhiễm xạ nhẹ và được lưu trữ trong 1.000 bể lớn với tổng sức chứa một triệu tấn.

Gần 9 năm sau tai nạn, các nhà chức trách Nhật Bản vẫn chưa thống nhất về cách xử lý nước nhiễm xạ. Một ủy ban chính phủ đưa ra 5 giải pháp, gồm xả nước nhiễm xạ ra Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đây là giải pháp thực tế nhất. Tuy nhiên, ngư dân và cư dân địa phương phản đối mạnh mẽ đề xuất do cho rằng việc xả nước sẽ phá hủy ngành ngư nghiệp và nông nghiệp ở Fukushima.

Giới chuyên gia nhấn mạnh các bể chứa có thể dẫn tới nguy cơ ngập lụt và nhiễm xạ, đồng thời cản trở nỗ lực tháo dỡ nhà máy. TEPCO và các quan chức chính phủ đang lên kế hoạch di dời nhiên liệu nóng chảy vào năm 2021 và giải phóng một phần tổ hợp hiện đang bị bể chứa chiếm chỗ để xây kho lưu trữ an toàn hơn cho mảnh vỡ và chất gây ô nhiễm.

Cùng với 4 giải pháp còn lại bao gồm bơm xuống lòng đất và làm bay hơi, ủy ban xử lý đưa thêm giải pháp thứ sáu là lưu trữ dài hạn. Một số thành viên của ủy ban thúc giục TEPCO cân nhắc tìm thêm mặt bằng để xây bể chứa nếu không thể thống nhất giải pháp sớm.

Junichi Matsumoto, phát ngôn viên của TEPCO, cho biết chất gây ô nhiễm từ công tác tháo dỡ nên được lưu trữ trong tổ hợp nhà máy. Việc lưu trữ dài hạn sẽ dần dần giảm bớt lượng phóng xạ nhờ chu kỳ bán rã, nhưng sẽ làm chậm quá trình tháo dỡ do không thể xây dựng cơ sở vật chất trước khi bỏ các bể chứa.

An Khang (Theo Fox News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020