Chuyên mục  


Số bài báo bị rút lại tăng vọt trong năm 2023. Ảnh: Researcher.Life

Số lượng bài nghiên cứu bị rút trong năm 2023 vượt mốc 10.000, phá vỡ kỷ lục hàng năm trong tình hình các nhà xuất bản tìm cách loại bỏ những bài báo giả mạo và gian lận. Trong số đó, Arab Saudi, Pakistan, Nga và Trung Quốc là một số nước có tỷ lệ bài báo khoa học bị rút lại cao nhất trong hai thập kỷ qua, theo phân tích của tạp chí Nature hôm 12/12.

Phần lớn bài báo khoa học bị rút trong năm 2023 đến từ các tạp chí thuộc sở hữu của Hindawi, chi nhánh ở London của nhà xuất bản Wiley. Tính đến thời điểm hiện tại, trong năm nay, nhóm tạp chí của Hindawi đã thu hồi hơn 8.000 bài báo do nguyên nhân như "lo ngại quá trình bình duyệt bị dàn xếp" và "thao túng có hệ thống đối với quá trình bình duyệt và xuất bản". Kết quả kiểm tra từ biên tập viên nội bộ và chuyên gia liêm chính dấy lên nhiều câu hỏi đối với cách viết thiếu liền mạch cũng như trích dẫn tài liệu tham khảo không liên quan trong hàng nghìn bài báo.

Hầu hết bài báo bị rút bởi Hindawi đều có vấn đề đặc biệt: các bài báo thường bị xem xét hời hợt bởi biên tập viên khách mời. Điều này mang lại nhiều điều tiếng bởi những kẻ lừa đảo lợi dụng để xuất bản nhanh chóng bài báo giả mạo hoặc kém chất lượng.

Vào ngày 6/12, Wiley thông báo trong một hội nghị báo cáo tài chính trực tuyến rằng họ sẽ ngừng sử dụng hoàn toàn thương hiệu Hindawi. Trước đó, Wiley đã đóng cửa 4 tạp chí thuộc Hindawi và tạm dừng phát hành ấn phẩm đặc biệt vào cuối năm 2022. Wiley sẽ gộp các tạp chí còn lại dưới tên thương hiệu của chính họ. Theo giám đốc điều hành tạm thời của Wiley là Matthew Kissner, hệ quả là doanh thu của nhà xuất bản sẽ giảm 35 - 40 triệu USD trong năm tài chính 2023.

Một phát ngôn viên của Wiley cho biết nhà xuất bản dự đoán số bài báo khoa học bị rút lại sẽ tăng, dù không tiết lộ con số chính xác, nhưng công ty nhấn mạnh "ấn phẩm đặc biệt sẽ tiếp tục đóng vai trò hữu ích trong phục vụ cộng đồng nghiên cứu". Phát ngôn viên này cũng chia sẻ Wiley sẽ áp dụng quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm xác nhận danh tính của biên tập viên khách mời và giám sát bản thảo, loại bỏ hàng trăm người kém tin cậy khỏi hệ thống và mở rộng đội hỗ trợ liêm chính nghiên cứu. Họ cũng tuân thủ các biện pháp pháp lý nhằm chia sẻ danh sách người kém tin cậy với các nhà xuất bản khác cũng như nhà cung cấp công cụ và cơ sở dữ liệu.

Đa số bài báo bị rút lại của Hindawi là giả mạo nhưng vẫn được trích dẫn tổng cộng hơn 35.000 lần, theo Guillaume Cabanac, nhà khoa học vi tính ở Đại học Toulouse tại Pháp, người chuyên theo dõi vấn đề ở các bài báo, bao gồm cụm từ khó đọc (những lựa chọn từ ngữ kỳ quặc để tránh phát hiện đạo văn) và dấu hiệu bí mật sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Số lượng bài báo bị rút lại tăng ở tốc độ vượt xa mức độ phát triển của bài báo khoa học. Tổng số bài nghiên cứu bị rút lại trên thế giới cho đến nay đã vượt mốc 50.000. Dù phân tích trước đây chỉ ra phần lớn bài báo bị rút do hành vi sai trái trong nghiên cứu, một số trường hợp là do tác giả phát hiện lỗi lầm không cố ý trong công trình của họ.

Cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới chuyên theo dõi bài báo bị rút lại, quản lý bởi tổ chức truyền thông Retraction Watch, không bao gồm mọi bài báo khoa học thu hồi trong năm 2023. Để phân tích xu hướng, Nature kết hợp khoảng 45.000 bài báo trong bộ dữ liệu đó với 5.000 bài báo bị rút lại khác từ Hindawi và một số nhà xuất bản, với sự hỗ trợ của cơ sở dữ liệu Dimensions. Phân tích của Nature chỉ ra tỷ lệ bài báo khoa học đã xuất bản bị rút lại tăng gấp hơn 3 lần trong thập kỷ qua. Năm 2022, tỷ lệ đó vượt mức 0,2%.

Trong số những nước xuất bản hơn 100.000 bài báo khoa học trong hai thập kỷ qua, phân tích của Nature cho thấy Arab Saudi có tỷ lệ rút lại có nhất (30/10.000 bài báo), không bao gồm bài báo tại hội thảo. Nếu tính cả bài báo hội thảo, tỷ lệ rút lại từ Viện kỹ sư điện và điện tử (IEEE) ở New York sẽ đẩy Trung Quốc lên dẫn đầu với hơn 30/10.000 bài báo.

Theo kết quả phân tích, khoảng 1/4 tổng số bị rút lại là bài báo hội thảo và phần lớn bao gồm số lượng rút lại bởi IEEE. Đây là nhà xuất bản khoa học có tỷ lệ rút lại bài cao nhất với hơn 10.000 bài trong hai thập kỷ. Hầu hết các bài báo mà họ rút lại xuất bản trong năm 2010 - 2011.

Monika Stickel, giám đốc truyền thông doanh nghiệp ở IEEE, cho rằng những biện pháp phòng ngừa của viện giúp phát hiện gần như tất cả bài báo không đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Cabanac và Kendra Albert, luật sư công nghệ ở Trường luật Harvard tại Cambridge, Massachusetts, nhận thấy các vấn đề, bao gồm cụm từ khó đọc, lỗi trích dẫn và đạo văn ở hàng trăm bài báo của IEEE trong vài năm qua. Theo Stickel, IEEE đã đánh giá và phát hiện chưa đến 60 bài báo không đáp ứng tiêu chuẩn xuất bản, bao gồm 39 bài báo bị rút lại gần đây.

Do đó, 50.000 bài báo khoa học bị rút lại trên khắp thế giới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Số lượng bài báo viết bởi những nhà kinh doanh bán công trình ma và quyền tác giả cho các nhà khoa học ước tính lên tới hàng trăm nghìn.

An Khang

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020