Chuyên mục  


Lòng sông Rio Grande ở khu vực biên giới Mỹ và Mexico khô cạn. Ảnh: Climate.gov

Lần đầu tiên trong lịch sử, con người làm mất cân bằng chu kỳ nước toàn cầu, gây ra thảm họa nước ngày càng nghiêm trọng, dự kiến tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế và lĩnh vực sản xuất thực phẩm, theo báo cáo công bố hôm 16/10 của Ủy ban Kinh tế Nước Toàn cầu - tổ chức gồm các chuyên gia và nhà lãnh đạo quốc tế. Báo cáo cho biết, nhiều thập kỷ sử dụng đất một cách tàn phá và quản lý nước thiếu hợp lý kết hợp với cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đã tạo "áp lực chưa từng có" cho chu kỳ nước toàn cầu.

Chu kỳ nước là chu kỳ phức tạp mà nước di chuyển xung quanh Trái Đất. Nước bốc hơi từ mặt đất - ví dụ từ hồ, sông, thực vật - và vươn lên khí quyển, tạo thành những dòng hơi nước lớn có thể di chuyển xa, sau đó nguội đi, ngưng tụ, cuối cùng rơi trở lại mặt đất dưới dạng mưa hoặc tuyết.

Chu kỳ nước gián đoạn đã gây ra nhiều hậu quả. Gần 3 tỷ người đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Cây trồng héo úa và các thành phố đang lún xuống khi nước ngầm bên dưới khô cạn. Hậu quả sẽ còn thảm khốc hơn nếu thế giới không hành động khẩn cấp. Cuộc khủng hoảng nước đe dọa hơn 50% ngành sản xuất thực phẩm toàn cầu và có nguy cơ làm giảm trung bình 8% GDP các nước vào năm 2050. Ở những nước thu nhập thấp, mức thiệt hại dự kiến cao hơn nhiều, lên tới 15%, theo báo cáo hôm 16/10.

"Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang đẩy chu kỳ nước toàn cầu ra khỏi trạng thái cân bằng. Giờ không thể trông cậy vào mưa, nguồn gốc của tất cả nước ngọt, được nữa", Johan Rockstrom, đồng chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nước Toàn cầu, một trong những tác giả của báo cáo mới, cho biết.

Báo cáo phân biệt giữa "nước xanh lam", nước lỏng trong sông hồ, tầng ngậm nước, và "nước xanh lục", chất ẩm lưu trữ trong đất và thực vật. Dù thường không được chú ý, nguồn cung nước xanh lục cũng rất quan trọng với chu kỳ nước vì nước sẽ quay trở lại khí quyển khi thực vật giải phóng hơi nước, tạo ra khoảng 1/2 lượng mưa trên đất liền.

Những gián đoạn trong chu kỳ nước có mối liên hệ sâu sắc với biến đổi khí hậu, báo cáo cho biết. Nguồn cung cấp nước xanh lục ổn định đóng vai trò then chốt để hỗ trợ thực vật bắt giữ carbon - yếu tố làm nóng hành tinh. Nhưng thiệt hại mà con người gây ra, bao gồm việc phá hủy đất ngập nước và chặt phá rừng, đang làm suy yếu những "bể chứa carbon" này và đẩy nhanh quá trình ấm lên toàn cầu. Mặt khác, sự ấm lên cũng khiến cảnh quan khô héo, độ ẩm giảm và nguy cơ cháy rừng tăng.

Báo cáo kêu gọi "thay đổi cơ bản vị trí của nước trong nền kinh tế", bao gồm cả việc định giá tốt hơn để tránh lãng phí và trồng các loại cây hay xây cơ sở cần nhiều nước, ví dụ như trung tâm dữ liệu, ở khu vực thiếu nước.

"Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu là một thảm kịch nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi kinh tế nước", Ngozi Okonjo-Iweala, tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng chủ tịch của Ủy ban Kinh tế Nước Toàn cầu, cho biết. Bà nói thêm, việc đánh giá đúng giá trị của nước vô cùng cần thiết để nhận ra nước khan hiếm và mang lại rất nhiều lợi ích.

Thu Thảo (Theo CNN)

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020