Chuyên mục  


a1.jpegNgười dân làm thủ tục khám chưa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong những năm gần đây luôn là cơ quan dẫn đầu trong Chính phủ về Chuyển đổi Số. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, Chuyển đổi Số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã đem lại những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Nhân Ngày Chuyển đổi Số quốc gia (10/10), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh về công tác Chuyển đổi Số trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

5 dấu ấn Chuyển đổ Số nổi bật

- Ông đánh giá đâu là những dấu ấn nổi bật trong Chuyển đổ Số, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành Bảo hiểm xã hội?

Ông Nguyễn Thế Mạnh: Là cơ quan triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân, doanh nghiệp nên việc ứng dụng công nghệ thông tin, Chuyển đổ Số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành.

[12.597 cơ sở khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp]

Theo tôi, ngành Bảo hiểm xã hội có 5 kết quả nổi bật về Chuyển đổi Số. Một là Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong số đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Hiện nay, bảo hiểm đang quản lý hơn  91,74 triệu người tham gia, trong đó đã xác thực và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 94%.

Hai là, Bảo hiểm xã hội Việt Nam với vai trò, trách nhiệm được Chính phủ giao là đơn vị chủ quản của cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm - một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng đã phối hợp chia sẻ dữ liệu, hỗ trợ nhiều bộ ngành, địa phương (như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ…) vì mục tiêu chung.

tgd_bhxh_viet_nam_nguyen_the_manh.jpgTổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện Chuyển đổi Số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành đã triển khai hai nhóm thủ tục hành chính liên thông (Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử-Xóa đăng ký thường trú-Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng); dịch vụ công trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”; triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) phục vụ người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế... tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Ba là hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, gồm các dịch vụ công: “Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện”; “Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế”; “Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần” nhằm đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bốn là tiếp tục nâng cấp, triển khai hiệu quả ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số đồng thời triển khai kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (tài khoản VNeID) trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hướng tới cho phép hơn 50 triệu người dân đang có tài khoản VNeID có thể truy cập, sử dụng ứng dụng VssID.

Năm là triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng như ban hành quy định, quy chế về công tác an toàn thông tin; triển khai đầy đủ các giải pháp kỹ thuật, phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; thành lập Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam... để chủ động ứng phó từ sớm, xử lý, ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công mạng.

Có thể nói, với những kết quả đạt được, công tác Chuyển đổi Số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đi đúng hướng, đúng trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điều này còn được thể hiện rõ, khi ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những bộ, ngành dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Giải quyết chế độ bảo hiểm nhanh chóng, minh bạch

- Những kết quả đạt được trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, Chuyển đối Số đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong việc thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Mạnh:  Đến nay, các lĩnh vực hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội đều được số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin với gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, hơn 20.000 tài khoản trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành.

anh_1tgd_trao_doi_voi_nguoi_dan_den_lam_viec.jpgTổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh lắng nghe ý kiến của người dân về việc thực hiện các thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của ngành đang kết nối với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Đây là công cụ hiệu quả, góp phần giúp công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Hằng năm, Hệ thống Thông tin giám định Bảo hiểm y tế cùng Hệ thống giao dịch Bảo hiểm xã hội điện tử đã tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến. Thực tế cho thấy việc giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội không chỉ góp phần giảm tải áp lực giải quyết hồ sơ, thủ tục cho cơ quan bảo hiểm xã hội, mà còn giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đáng chú ý, 100% thủ tục của ngành đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Gần như tất cả các hoạt động của ngành cũng như các giao dịch của người người dân, doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội đã được thực hiện trên môi trường số. 

Người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội mọi lúc, mọi nơi mà còn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách. Nhờ đó, tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội được nâng cao rõ rệt...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã tích cực triển khai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành giúp tăng chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra (giảm khoảng 48%, từ 20 giờ xuống còn 10,5 giờ). Điều này cũng đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác thu, phát triển người tham gia, giảm nợ đóng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID- Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động. Hiện đã có hơn 30 triệu tài khoản sử dụng ứng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia-thụ hưởng các chính sách bảo hiểm, hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Ngoài việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh, người dân còn có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) để thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy. Việc làm này không chỉ góp phần giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên đã được đông đảo người dân và các cơ sở khám chữa bệnh ghi nhận, ủng hộ.

Hệ thống chăm sóc khách hàng của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng được quan tâm đổi mới theo hướng hiện đại, thân thiện với nhiều kênh tư vấn, hỗ trợ người tham gia như: Hệ thống Tổng đài hỗ trợ khách hàng; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; thiết lập Fanpage Facebook/ Zalo OA truyền thông trên hệ thống mạng xã hội...

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác Chuyển đổi Số, thực hiện Đề án 06 đã không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân mà còn tăng cường hiệu quả quản lý của ngành, góp phần xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự  hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

- Trong thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ có những giải pháp trọng tâm gì để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt dược, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Mạnh: Qua đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2025. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi chủ quan, hay thỏa mãn với những gì đã có.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành chương trình hành động, trong đó nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị trực thuộc, yêu cầu chất lượng sản phẩm, tiến độ rõ ràng. 

Ở giai đoạn tiếp theo từ năm 2023-2025 và định hướng đến năm 2030, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện Chuyển đổi Số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm.

Chúng tôi sẽ tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của cơ sở dữ liệu sẵn có luôn được làm giàu; tích cực xác thực, chia sẻ, liên thông dữ liệu phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao; đưa vào thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao trải nghiệm của tổ chức, cá nhân...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp với mục tiêu luôn được Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định “Chuyển đổi Số là nhiệm vụ quan trọng, then chốt để ngành phục vụ tốt nhất người tham gia, thụ hưởng chính sách.”

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Kiều (Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020