Chuyên mục  


Bạch tuộc ngày phối hợp đi săn với cá song sọc ngang đen và cá phèn yên vàng. Ảnh: Eduardo Sampaio & Simon Gingins

Nghiên cứu mới công bố hôm 23/9 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution mô tả chi tiết cách bạch tuộc và nhiều loài cá kết hợp với nhau để đi săn thành công theo nhóm khi kiếm động vật thân mềm và giáp xác. Mỗi loài đảm nhận vai trò chuyên biệt để tối đa hóa thành công chung.

Eduardo Sampaio và cộng sự tiến hành nhiều chuyến lặn thám hiểm ở Biển Đỏ, theo dõi và quan sát 13 nhóm săn mồi, bao gồm một con bạch tuộc ngày (Octopus cyanea) và vài loài cá như cá phèn, cá mú và cá song. "Chúng tôi rất bất ngờ vì những nhóm săn mồi này có thể tinh vi như vậy", Sampaio chia sẻ.

Bạch tuộc ngày rất phổ biến ở rạn đá nhiệt đới từ Hawaii tới Đông Phi, có thể dài gần một mét, theo Thủy cung vịnh Monterey. Tên gọi của chúng đến từ tập tính săn mồi ban ngày, một điều khác thường do phần lớn bạch tuộc săn mồi vào ban đêm. Khi bắt được con mồi như cua và trai, bạch tuộc giết mồi bằng nọc độc tiết ra từ tuyến nước bọt, sau đó phá vỡ lớp vỏ bằng chiếc mỏ sắc. Bạch tuộc ngày học hỏi rất nhanh. Tuổi thọ của chúng chỉ khoảng một năm và chúng chỉ sinh sản một lần trong đời.

Thông qua theo dõi chuyển động 3 chiều của nhóm săn mồi trong 120 giờ quay phim, các nhà nghiên cứu nhận thấy biến động trong nhóm phức tạp hơn nhiều so với suy đoán trước đây. Họ từng mặc định bạch tuộc chỉ đạo cuộc săn, nhưng nghiên cứu hé lộ quyền lãnh đạo được chia sẻ giữa các loài, những động vật khác nhau đóng góp kỹ năng riêng độc đáo vào nhóm.

Cá, đặc biệt là cá phèn, chịu trách nhiệm khám phá môi trường. Dựa trên khả năng cảm thụ, chúng quyết định cả nhóm nên đi đâu. Trong lúc đó, bạch tuộc xác định liệu cả nhóm có nên xúc tiến bước tiếp theo không và khi nào, sử dụng trí thông minh và sự khéo léo của nó để làm lợi từ phát hiện của cá. Theo nhóm nghiên cứu, kiểu cùng chia sẻ quyền quyết định này phản ánh hiểu biết mới về vai trò lãnh đạo trong nhóm nhiều loài, trong đó, cả kích thích và ức chế chuyển động đều có thể định hình hành vi nhóm.

Nhóm nghiên cứu quan sát thành phần nhóm ảnh hưởng như thế nào tới hành vi của từng loài. Ví dụ, một số loài cá sẽ dành nhiều nỗ lực vào dẫn đường cho nhóm khi hợp tác với bạch tuộc. Sự hợp tác này cũng kích hoạt "cơ chế kiểm soát đối tác", trong đó bạch tuộc đôi khi đấm cá để đặt chúng vào vị trí hoặc thể hiện quyền chi phối. Bất chấp những khoảnh khắc dữ dằn này, cả nhóm hoạt động hiệu quả, giúp tăng cơ hội đi săn thành công so với khi bạch tuộc hoặc cá săn mồi đơn độc.

Một chi tiết quan trọng khác về cú đấm thô bạo của bạch tuộc là chúng mang tính một chiều, có nghĩa cá không bao giờ tìm cách đẩy đối tác ra khỏi nhóm bởi cá cần bạch tuộc lùa con mồi ra khỏi các ngóc ngách.

Hành vi mới phát hiện thách thức quan điểm truyền thống coi bạch tuộc như loài đơn độc và không có tính xã hội. Nghiên cứu chứng minh bạch tuộc có thể hợp tác với loài khác, có dấu hiệu của năng lực xã hội và linh hoạt về nhận thức. Bạch tuộc điều chỉnh hành động dựa trên hành vi của cá đối tác, thể hiện trí thông minh xã hội chưa từng thấy ở loài này.

An Khang (Theo Newsweek)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020