Chuyên mục  


Ba nhà khoa học gồm TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ, trưởng nhóm); TS Hoàng Chí Thiêm (Viện nghiên cứu khoa học thiên văn và vũ trụ Hàn Quốc, Đại học khoa học và công nghệ Hàn Quốc) và TS Nguyễn Lương Quang (American University, tại Paris, Pháp).

Nhóm hoạt động dưới sự quản lý của Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành IFIRSE, trực thuộc ICISE (Quy Nhơn, Bình Định) - nơi GS Trần Thanh Vân chủ trì xây dựng mong muốn trở thành ngôi nhà chung của các nhà khoa học. SAGI thành lập với mục tiêu đóng góp cho sự phát triển vật lý thiên văn tại Việt Nam.

"Chúng tôi mong muốn tạo lập môi trường thuận lợi để các nhà nghiên cứu trẻ, sinh viên đam mê về vật lý thiên văn có thể theo đuổi và phát triển năng lực của mình", TS Hoàng Chí Thiêm, nghiên cứu viên cao cấp, Viện nghiên cứu khoa học thiên văn và vũ trụ Hàn Quốc, chia sẻ với VnExpress.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (thứ ba từ trái qua) cùng các nhà khoa học nghiên cứu vật lý thiên văn SAGI trong buổi ra mắt nhóm tại hội thảo ngày 25/7. Ảnh: ICISE

TS Thiêm cho biết, ý tưởng khởi nguồn bắt đầu từ sau hội thảo khoa học "Các cơ hội và thách thức cho phát triển thiên văn ở Việt Nam" năm 2016. Tại đây, các nhà khoa học nhận thấy có nhiều tiềm năng để phát triển vật lý thiên văn ở Việt Nam bởi có nhiều bạn trẻ tài năng và đam mê lĩnh vực này. Song hiện có ít trường đào tạo, các điều kiện nghiên cứu và giao lưu quốc tế còn hạn chế. Bởi vậy, "mục đích SAGI là tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước trong lĩnh vực vật lý thiên văn", TS Thiêm nói.

Ông cho biết, nhóm nghiên cứu nhận được kinh phí tài trợ từ quỹ Simons (Mỹ) và họ "hoàn toàn ủng hộ những mục tiêu của dự án mà nhóm đề xuất", TS Thiêm nói và mong muốn cộng tác với các nhà khoa học ở Việt Nam để cùng nghiên cứu. Các nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc và sự tiến hoá của hệ sinh thái vũ trụ, bao gồm các: thiên hà, ngôi sao, hành tinh, và cả sự sống trong vũ trụ. "Tôi kỳ vọng sự cộng tác sẽ làm cho mạng lưới các nhà nghiên cứu trong nước gắn kết hơn, khám phá nhiều nghiên cứu mới có ý nghĩa, làm giàu thêm hiểu biết của con người về vũ trụ bao la", ông nói.

Các nhà khoa học Việt, nhất là các bạn trẻ yêu thích và đam mê vật lý thiên văn muốn tham gia có thể trực tiếp liên lạc, theo SAGI. "Nhóm chúng tôi có khả năng hỗ trợ để các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đến cộng tác ở ICISE", TS Thiêm nói.

Nhóm SAGI đang có nhu cầu tuyển các vị trí nghiên cứu viên sau tiến sĩ, dành cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam (đã có bằng tiến sĩ về Vật lý hoặc Thiên văn muốn làm việc tại ICISE). Ngoài ra, hàng năm, nhóm cũng có các vị trí thực tập sinh dành cho sinh viên năm cuối đại học hoặc cao học. Các thực tập sinh sẽ được thực hiện các nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các thành viên SAGI hoặc các nhà khoa học trong nước và quốc tế là cộng sự của nhóm.

TS Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm ICISE, cho biết SAGI sẽ tổ chức các workshop, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu. Bên cạnh đó hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh, postdoc. Nhóm cũng triển khai các nghiên cứu thuộc lĩnh vực có thế mạnh. Đồng thời hỗ trợ và phối hợp với nhóm chuyên gia tại Trung tâm Khám phá khoa học ở Quy Nhơn để nâng cao năng lực sử dụng, vận hành Đài quan sát Thiên văn Quy Nhơn, triển khai một số nghiên cứu dựa trên các thiết bị hiện có...

Như Quỳnh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020