Chuyên mục  


Chứng khoán Yuanta vừa công bố báo cáo triển vọng thị trường, đánh giá việc thay đổi cách thức phòng chống COVID từ “Zero-COVID” sang sống chung với virus đã bước đầu phát huy hiệu quả về mặt kinh tế khi các chỉ số vĩ mô trong tháng 10 hầu hết đều cho thấy các tín hiệu tích cực.

PMI tháng 10 của Việt Nam đạt 52,1 điểm, tăng lên trên 50 từ mức 40,3 điểm của tháng 9, cho thấy lĩnh vực sản xuất đã hồi phục trong tháng 10. Tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 10 cũng tăng 15,9% so với tháng trước. Yuanta đánh giá mức tăng trưởng âm của bán lẻ trong quý 3 chỉ là “gián đoạn trong ngắn hạn”, đồng thời duy trì quan điểm tích cực trong trung và dài hạn cho thị trường bán lẻ Việt Nam cũng như khả năng hồi phục có thể kéo dài sang quý 4/2021.

PMI tháng 10 đã tăng trở lại trên mức 50 điểm

Tình hình đầu tư công cũng đang có chuyển biến tích cực hơn. Yuanta cho rằng trong 2 tháng cuối năm, các dự án đầu tư công sẽ khá sôi động là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế trong quý 4.

Trong tháng 10, FDI đăng ký và giải ngân đều chậm lại so với tháng 9. Tổng vốn FDI giải ngân tính tới 20/10/2021 đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Yuanta đánh giá đây chỉ là tình trạng tạm thời và dòng vốn FDI sẽ cải thiện hơn trong thời gian tới.

Xét tới cán cân xuất nhập khẩu, tháng 10 là tháng thứ 2 liên tiếp Việt Nam ghi nhận xuất siêu sau chuỗi 5 tháng nhập siêu trước đó. Song, Yuanta lại đánh giá điều này không quá tích cực, do chủ yếu nhờ giảm nhập khẩu 3% so với tháng 9 ở khối FDI trong khi xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 1,3% so với tháng trước.

CPI tháng 10 tiếp tục tăng 1,77% so với cùng kỳ với những chịu áp lực từ sự tăng cao của giá dầu thế giới và chi phí logistics. Mặc dù rủi ro là có trong trung hạn, tuy nhiên đối với năm nay vẫn sẽ trong tầm kiểm soát dưới 4% khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm và ngoại trừ giá xăng dầu tăng thì chưa có mặt hàng nào tăng giá một cách đột biến hoặc có tiềm năng thiếu hụt đột biến.

VN-Index khả năng cao lên đỉnh mới 1.534 điểm trong tháng 11

Về thị trường chứng khoán, sau giai đoạn lình xình đi ngang, thị trường đã tăng trưởng mạnh trong tháng 10, đặc biệt là một số phiên cuối tháng. Yuanta đánh giá việc mở cửa nền kinh tế là động lực tăng trưởng mới của thị trường trong tháng 11. Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế sẽ là khôi phục nền kinh tế, khơi thông dòng vốn đồng thời kích thích tiêu dùng. Ngoài ra, gia tăng đầu tư công nhằm thu hút dòng vốn FDI. 

Hiện, chỉ số VN-Index đang giao dịch mức P/E TTM là 17,1x (dựa trên số KQKD của 604 doanh nghiệp đã công bố), thấp hơn mức P/E dự phóng cơ sở là 18,3x cho thấy mức định giá hiện tại vẫn còn hấp dẫn và còn dư địa tăng trưởng.

Dự phóng diễn biến tháng 11, Yuanta đưa ra hai kịch bản, trong đó kịch bản với xác suất cao hơn là 70% cho rằng chỉ số VN-Index hướng thẳng về mức 1.534 điểm với động lực chính từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn thu hút dòng tiền. Kỳ vọng chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps có thể có mức tăng trưởng cao nhất lần lượt 6,75% và 14,18% so với mức đóng cửa phiên 29/10/2021.

Dòng tiền sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu dựa trên sức hồi phục trong quý 4/2021. Với kịch bản này, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Tại kịch bản có xác suất xảy ra là 30%, Yuanta dự báo chỉ số VN-Index giảm về vùng 1.363 – 1.380 điểm với rủi ro đòn bẩy gia tăng trên thị trường. Hiện tỷ lệ margin/vốn hóa đã đạt mức 2,75%  - mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường xác nhận xu hướng giảm ngắn hạn.

Phương Linh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020