VND: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Thị trường chứng khoán vừa khép lại một tuần sóng gió với phiên giảm hơn 20 điểm của VN-Index cùng sắc đỏ bao trùm trên hầu hết các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng ngược trong đó nổi bật có thể kể đến VND của VNDirect. Cổ phiếu này nhích nhẹ 0,3% lên 35.100 đồng/cổ phiếu qua đó tiến sát đỉnh cũ đạt được hôm 6/4.
Với mức thị giá hiện tại, vốn hóa của VNDirect đạt hơn 42.750 tỷ đồng, vừa đủ vượt qua SSI để chính thức trở thành công ty chứng khoán (CTCK) vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Kết quả này có được một phần do cổ phiếu SSI bị cuốn vào vòng xoáy bán tháo trên thị trường và giảm gần 2,5% xuống 43.000 đồng/cổ phiếu tương ứng vốn hóa gần 42.690 tỷ đồng.
Sự vươn lên mạnh mẽ của VNDirect phần nào phản ánh sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các công công ty chứng khoán và những cái tên thâm niên nếu không thích ứng kịp hoàn toàn có thể bị vượt qua và bỏ lại phía sau.
Cuộc đua vốn hóa của VNDirect và SSI
Nhìn lại quá khứ, SSI là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cũng đã niêm yết từ rất sớm từ cuối tháng 10/2007. Từ một CTCK tư nhân thuộc loại nhỏ nhất thị trường những ngày đầu thành lập, SSI đã tăng trưởng vượt bậc và leo lên giữ vị trị số 1 cả về quy mô vốn điều lệ và vốn hóa trong suốt nhiều năm qua.
Đến cuối năm 2021, SSI vẫn là công ty dẫn đầu ngành Chứng khoán với vốn điều lệ xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường có thời điểm vượt hơn 55.000 tỷ đồng (~2,4 tỷ USD) vào cuối tháng 11/2021 và hiện vẫn là CTCK duy nhất từng chạm đến ngưỡng này. Tuy nhiên, SSI gần trong những tháng gần đây, cổ phiếu SSI đã "hạ nhiệt" và vốn hóa giảm 12.800 tỷ đồng (23%) từ đỉnh.
Xuất phát muộn hơn, VNDirect lần đầu niêm yết trên HNX vào năm 2010 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng tại thời điểm đó. Đến tháng 8/2017, CTCK này mới chuyển sàn giao dịch sang HoSE nhưng vốn hóa thị trường chỉ dưới 5.000 tỷ đồng, chưa bằng một nửa SSI thời điểm đó. Không khó để nhận ra VNDirect đã phải núp sau cái bóng quá lớn của SSI trong nhiều năm trước khi bước ngoặt mang tên Covid-19 xuất hiện.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành Chứng khoán. Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán không ngừng gia tăng và thiết lập những con số kỷ lục chưa từng có. Thanh khoản thị trường cũng theo đó liên tục tăng trưởng mạnh mẽ và thường xuyên duy trì trên 1 tỷ USD, thậm chí có phiên lên đến hơn 2 tỷ USD.
Thị trường đặc biệt sôi động kéo theo sự tăng trưởng chóng mặt về mặt quy mô của các CTCK đặc biệt là những công ty có định hướng tập trung vào bán lẻ, đây là lợi thế của VNDirect, VPS... trong khi SSI không quá mạnh về mảng này, chủ yếu tập trung vào khách hàng tổ chức. Thậm chí, thị phần môi giới số 1 của SSI cũng đã rơi vào tay Chứng khoán VPS trong nhiều quý gần đây.
VNDirect bắt đầu tăng tốc nhanh chóng trên đường đua vốn hóa với mức tăng gần 4 lần trong 1 năm qua, vượt trội so với SSI dù cổ phiếu này cũng tăng rất ấn tượng (82%).
Nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản, mang đến cơ hội cho các CTCK như VNDirect
Đường đua vốn điều lệ cũng vào đoạn tăng tốc
Trước khi vượt về vốn hóa, VNDirect cũng đang tạm soán ngôi đầu của SSI về vốn điều lệ với các phương án bán ưu đãi và thưởng cổ phiếu tăng vốn gấp 2,8 lần lên 12.178 tỷ đồng. VNDirect đã chốt quyền trong tháng 3 và đang triển khai các bước để hoàn tất quá trình tăng vốn điều lệ. Động thái cho thấy tham vọng bứt tốc nhanh chóng của VNDirect trên đường đua này.
SSI đương nhiên không thể để bị qua mặt dễ dàng. CTCK này cũng đã thông qua phương án chào bán tối đa 497,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 2:1) và tiếp tục chào bán hơn 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ sau đó. Nếu thành công, vốn điều lệ SSI có thể tiếp tục tăng lên mức 15.961 tỷ đồng qua đó lấy lại vị trí dẫn đầu về vốn điều lệ ngành Chứng khoán.
VNDirect và SSI đều đẩy nhanh tốc độ tăng vốn điều lệ
Cuộc đua tăng vốn điều lệ thực tế không phải câu chuyện riêng giữa SSI và VNDirect mà một loạt CTCK đều đã phát tín hiệu tham gia với các kế hoạch khủng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Dự kiến sau những đợt tăng vốn trong năm nay sẽ có đến 9 CTCK có vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng.
Nhu cầu vay margin của nhà đầu tư và nhu cầu vốn của chính CTCK cho các hoạt động đầu tư tự doanh cổ phiếu và trái phiếu, bảo lãnh phát hành, phát triển sản phẩm mới như chứng quyền có đảm bảo... đang thúc đẩy làn sóng tăng vốn ngày càng rầm rộ.
Quy mô mở rộng, vị thế của các CTCK trên bản đồ vốn hóa cũng không ngừng gia tăng. Bên cạnh VNDirect và SSI có vốn hóa xấp xỉ 2 tỷ USD, các CTCK như VCI, HCM, VIX, SHS, MBS cũng đều có vốn hóa trên dưới chục nghìn tỷ đồng, tương đương với các ngân hàng thương mại tầm trung trên sàn chứng khoán.
Số lượng tài khoản chứng khoán mới chỉ chiếm xấp xỉ 5% dân số cho thấy dư địa phát triển vẫn còn rất lớn và sẽ không bất ngờ nếu trong tương lai gần có nhiều hơn các CTCK có vốn hóa trên 1 tỷ USD hay thậm chí vượt 100.000 tỷ đồng.
Nhiều CTCK có vốn hóa tương đương các NHTM tầm trung
Hà Linh
Theo Trí thức trẻ