Chuyên mục  


(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

Tuần qua, VN-Index tăng tổng cộng 17,94 điểm (+1,2%), lên mức 1.516,44 điểm, ghi nhận ba tuần đi lên liên tiếp (với ba phiên tăng điểm và hai phiên điều chỉnh xuống), lần lượt chạm mức cao nhất trong tuần tại 1.516,87 điểm và mức thấp nhất là 1.473,8 điểm.

Trái lại, HNX-Index phản ứng khá “chân thực” trước áp lực về những thông tin và giảm tổng cộng 7,65 điểm (-1,7%), xuống mức 454,1 điểm.

Vượt qua 'tin sốc'

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán  Sài Gòn-Hà Nội chỉ ra tuần qua, giới đầu tư đón nhận khá nhiều các tin tức trong nước về việc bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp cũng như kỷ luật những lãnh đạo của ngành chứng khoán. Song, thị trường chứng khoán đã khá “vững vàng” trước những tin tức tiêu cực với những phản ứng đầy tích cực, nhất là phiên giao dịch cuối tuần đã tạo đà VN-Index có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp.

[UBKTW xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ KHCN, UB Chứng khoán]

“Trên thị trường, thanh khoản khớp lệnh được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần. Tuy nhiên, điều này phần nào cho thấy dòng tiền đang đổ vào thị trường mạnh hơn,” ông Thắng trao đổi.

Về diễn biến giao dịch, các nhóm ngành cổ phiếu đang có sự phân hóa mạnh. Những cổ phiếu nhóm ngành công nghệ thông tin tăng tốc mạnh nhất tuần, cộng thêm 13,4% giá trị vốn hóa, nhờ vào những mã trụ cột như FPT (+16%), CMG (+13%)...

Theo sau là nhóm dịch vụ tiêu dùng đã tăng 3,3% giá trị vốn hóa, chủ yếu đến từ các cổ phiếu ngành bán lẻ như MWG (+12,3%), DGW (+3,9%)... và nhóm sản xuất hàng tiêu dùng cũng tăng khá tốt 3,2%, đại diện như VNM (+8,6%), SAB (+5%)...

Điểm nhấn nâng đỡ thị trường trong tuần phải kể đến nhóm trụ cột ngân hàng với mức tăng 2,1% vốn hóa và đóng góp tích cực vào mức tăng chung của VN-Inde, các cổ phiếu tiêu biểu như VCB (+0,4%), BID (+2,1%), CTG (+2,6%), VPB (+5%), ACB (+2,1%), MBB (+4,7%)...

Nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong tuần:

(Nguồn: SHS) - (*) Giá tham chiếu - Đơn vị: Nghìn đồng

Ở chiều ngược lại, diễn biến giá dầu thế giới “hạ nhiệt” đã điều chỉnh giảm nhóm cổ phiếu dầu khí xuống 2,4% giá trị vốn hóa, với các mã BSR (-2,6%), OIL (-7,5%), PVD (-5,5%), PVB (-7,6%), PVC (-4,8%), PVS (-2,6%)... Và, nhóm cổ phiếu ngành nguyên vật liệu giảm 1,5%, trong đó mã HPG (-1,5%), HSG (-5,5%), NKG (-3,9%)... và các cổ phiếu hóa chất DPM (-5,1%), DCM (-5,4%)...

Về giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, họ tiếp tục mua ròng 809 tỷ đồng trên sàn HoSE và duy trì bán ròng 27 tỷ đồng tại sàn HNX.

Chờ đón thông tin tích cực

Theo ông Thắng, VN-Indeex tăng điểm trong tuần thứ ba liên tiếp với mức thanh khoản được cải thiện khá tốt, điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường. Quan sát diễn biến tuần qua, nhà đầu tư đang thể hiện tâm lý khá ổn định. Thời gian tới, những thông tin trên thị trường khi được cải thiện (như các báo kết quả kinh doanh quý 1 được hé lộ, kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố trong kỳ họp đại hội cổ đông thường niên và gói hỗ trợ kinh tế trị giá 340.000 tỷ đồng được thúc đẩy giải ngân…) sẽ là động lực giúp thị trường kỳ vọng tiếp tục hướng tới những mức cao mới.

“Dự báo, trong tuần giao dịch ngày 4-8/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.530-1.550 điểm. Theo đó, các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào (khi thị trường kiểm chứng ngưỡng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm tại các phiên ngày 14/3 và 15/3) có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc chốt lời nếu thị trường tiến tới vùng kháng cự mạnh kể trên,” ông Thắng khuyến nghị.

Cùng với quan điểm trên, báo cáo phân tích từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng dòng tiền nhìn chung đang ở trạng thái khá hưng phấn, thể hiện qua khối lượng giao dịch khớp lệnh trong các phiên gần đây được cải thiện rõ rệt so với giai đoạn trước. Tuy nhiên nhìn xa hơn, thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.  

Đánh giá về xu hướng thị trường, nhóm phân tích của VCBS thận trọng chỉ ra việc những chỉ báo kỹ thuật đang dần đi vào vùng quá mua, điều này có thể khiến áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng trong những phiên tới.

“Mặt khác, thống kê những năm trước trở lại đây cho thấy các chỉ số chứng khoán của Việt Nam thường ghi nhận diễn biến kém tích cực trong tháng Tư và giao dịch cũng không thực sự sôi động, do đó tâm lý dè dặt của nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn này cũng là điều dễ hiểu,” báo cáo đề cập.

Trong ngắn hạn, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như diễn biến từ đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết (sẽ diễn ra trong tuần sau) để lên kế hoạch tích lũy dần cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020