Chuyên mục  


V-GREEN muốn biến siêu thị, quán café, nhà hàng, khách sạn,... thành trạm sạc

Thị trường trạm sạc xe điện tại Việt Nam hiện chưa có nhiều đơn vị phát triển trạm sạc “hùng hậu”. Được biết tới nhiều nhất vẫn là CTCP Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN, công ty riêng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup.

Hiện nay, V-GREEN là công ty đang sở hữu mạng lưới trạm sạc dành cho ô tô và xe máy điện lớn nhất tại Việt Nam, với quy hoạch 150.000 cổng sạc tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước. Với cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng trong vòng hai năm tới để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống, V-GREEN đang tích cực đẩy mạnh việc phủ sóng trạm sạc xe điện VinFast trên quy mô toàn quốc.

Thậm chí, doanh nghiệp này vừa thông báo triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền tại Việt Nam vào ngày 4/9 vừa qua. Trạm sạc nhượng quyền V-GREEN được triển khai theo mô hình “doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, hứa hẹn mở ra một ngành nghề kinh doanh mới cho tất cả các chủ sở hữu mặt bằng trên toàn quốc.

Tương tự trạm sạc chính hãng do V-GREEN đầu tư, trạm sạc nhượng quyền V-GREEN sẽ phục vụ các chủ sở hữu ô tô điện và xe máy điện VinFast trên toàn quốc . V-GREEN cam kết đồng hành, chia sẻ doanh thu ở mức cố định 750 đồng cho mỗi 1 kWh điện sạc cho các đối tác trong vòng tối thiểu 10 năm. V-GREEN cũng cam kết đền bù cho các chủ trạm sạc nếu công ty dừng kinh doanh trước hạn cam kết 10 năm.

Đặc biệt, các bãi gửi xe, cửa hàng xăng dầu, siêu thị, quán café, nhà hàng, khách sạn… cũng sẽ có cơ hội mở rộng tệp khách hàng khi đầu tư kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-GREEN. Mô hình kinh doanh hoàn toàn mới này cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh và xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng điện đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.

“Gã khổng lồ” ngành điện tham vọng sở hữu 1.000 trạm sạc tới năm 2035

Trong khi đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã: POW) cũng “rục rịch” triển khai thí điểm trạm sạc xe điện đầu tiên tại số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Dự kiến trạm sạc này sẽ đi vào hoạt động từ tháng 9/2024. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 2 cổng sạc với công suất 50 - 60 kW/cổng sạc, tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng, tổng công suất sử dụng 100 -120 kW, diện tích đặt trạm khoảng 30-35 m2.

tram-sac-120240906140800-1725899623711-17258996251971694484286.jpg

Sau khi trạm sạc số 6 Huỳnh Thúc Kháng đi vào hoạt động, PV Power tiếp tục triển khai thí điểm thêm 2 trạm sạc nữa tại 222 đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội (Big C Thăng Long).

" Dự án phát triển hệ thống trạm sạc xe điện của PV Power không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các trạm sạc mà còn hướng tới việc phát triển một mạng lưới trạm sạc đồng bộ trên toàn quốc ", công ty cho hay.

Theo kế hoạch của PV Power, sau 2 năm thí điểm, PV Power sẽ đánh giá lại hiệu quả của dự án, sau đó sẽ phát triển đồng bộ trên toàn quốc, dự kiến đến năm 2035 sẽ phát triển thêm 1.000 trạm sạc.

Được biết, PV Power là một thành viên của Tập Đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (PVN), do tập đoàn này đầu tư 79,94% vốn tính đến thời điểm cuối quý 2/2024. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong việc sản xuất và phát điện. Nếu không tính các đơn vị trực thuộc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), PV Power đang là công ty phát điện lớn nhất bên ngoài EVN và là doanh nghiệp điện có giá trị vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán (khoảng 1,2 tỷ USD tại ngày 9/9).

Thị trường trạm sạc xe điện - "mảnh đất" tiềm năng cho các doanh nghiệp

Trên thực tế, trào lưu hô biến các cửa hàng café, chuỗi siêu thị, khách sạn,… thành trạm sạc khá quen thuộc trên thế giới. Điển hình tại Mỹ, theo nguồn tin từ Carscoops, Mercedes-Benz thông báo sẽ triển khai lắp đặt trụ sạc nhanh DC tại hơn 100 cửa hàng Starbucks trên khắp lãnh thổ Mỹ. Được biết, Starbucks từng hợp tác với Volvo và lắp đặt tổng cộng 50 trụ sạc tại 15 cửa hàng khác nhau dọc theo tuyến đường dài hơn 2.170 km giữa Denver và Seattle.

Không thể phủ nhận rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong việc phát triển thị trường xe điện, điều này cũng mở ra triển vọng cho sự bành trướng của hệ thống trạm sạc xe điện.

Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg về lộ trình chuyển đổi sang xe điện với các mốc quan trọng: 100% xe buýt sẽ sử dụng điện vào năm 2025, 100% taxi vào năm 2030 và 100% phương tiện giao thông cơ giới vào năm 2050.

Theo báo cáo về chỉ số thị trường xe ô tô điện trong nước của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), với thị trường khoảng 100 triệu dân, hiện tại, tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam mới chỉ ở mức 23 ô tô/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu ô tô của cả nước sẽ khoảng 800.000 - 900.000 xe và đến năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe.

Trong khi đó, Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo đến năm 2028, Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.

Dù được coi là mảnh đấy màu mỡ cho các doanh nghiệp "nhảy vào", việc đầu tư vào phát triển trạm sạc xe điện vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức. Việc phát triển trạm sạc đòi hỏi một khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Chi phí đầu tư ban đầu có thể rất cao và việc thu hồi vốn có thể kéo dài nếu doanh thu không đạt như dự kiến.

Để phát triển hệ thống xe điện toàn diện, đồng bộ, đòi hỏi phải có hệ thống trạm sạc đa năng, có khả năng hỗ trợ sạc cho nhiều dòng xe của các thương hiệu khác nhau. Do vậy, việc phát triển hệ thống trạm sạc có thể đáp ứng nhu cầu cho tất cả các loại xe điện có chuẩn sạc khác nhau cũng là một thách thức.

Tựu chung lại, thị trường trạm sạc xe điện Việt còn nhiều tiềm năng chờ được khai thác thời gian tới. Cuộc đua này không chỉ là cuộc đua về số lượng trạm sạc mà còn là cuộc đua về sự đổi mới và chất lượng dịch vụ, hứa hẹn mang đến một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020