Thời gian gần đây, con số 1.300 điểm lại được nhà đầu tư, các chuyên gia chứng khoán nhắc đến nhiều như một mục tiêu nhất định phải đạt đến. Chưa đầy 2 tuần trước, VN-Index đã có lần đầu tiên chạm đến cột mốc này sau 2 năm thăng trầm. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ số quay đầu giảm chóng vánh và rơi về vùng 1.250 điểm trong sự thất vọng của nhiều chứng sỹ.
Thực tế, ngoài việc "tròn số", mốc 1.300 điểm không mang nhiều ý nghĩa. Bởi, khi VN-Index vẫn đang chật vật trước ngưỡng này, nhiều cổ phiếu đã bứt phá mạnh, thiết lập các mức đỉnh mới, cao nhất từ trước đến nay. Các chứng sỹ có thể thoải mái lựa chọn để có được hiệu suất đầu tư khả quan thay vì chỉ "chăm chăm" nhìn vào VN-Index.
Điển hình như các cổ phiếu tỷ trọng lớn trong rổ VNDiamond như FPT, PNJ, GMD, REE, ACB, TCB đều đang ở gần vùng đỉnh lịch sử cùng mức tăng hàng chục % từ đầu năm, vượt trội hoàn toàn so với VN-Index. Hiệu suất cao của những "viên kim cương" này giúp chỉ số VNDiamond cũng đang ở trên vùng đỉnh, cao hơn cả thời kỷ VN-Index 1.500 điểm hồi tháng 4/2022.
VNDiamond là chỉ số được Sở giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE) công bố vào ngày 18/11/2019. Điểm khác biệt lớn nhất giữa VN Diamond và những chỉ số khác đó là hệ số FOL (Foreign Ownership Limit) - giới hạn tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài. Những cổ phiếu nào có hệ số FOL đạt tối thiểu 95% có khả năng được xem xét để đưa vào rổ VNDiamond.
Ngoài rổ VNDiamond, vẫn còn nhiều cổ phiếu niêm yết đơn lẻ như HVN, FRT, CTR, VTP, HAH, IDC,… đã tăng mạnh từ đầu năm và đang ở gần vùng đỉnh lịch sử. Không chỉ các cổ phiếu niêm yết, sàn giao dịch UPCoM cũng có nhiều đại diện ưu tú, tăng mạnh thời gian qua và đang trên vùng đỉnh cao nhất từ trước đến nay.
UPCoM lâu nay vẫn ít được chú ý nhưng thực tế lại là nơi ẩn chứa rất nhiều cái tên "khủng". Trong khối DNNN, những cái tên như Cảng hàng không (ACV), VEAM Corp (VEA), Viettel Global (VGI), VIMC (MVN),… đều bứt phá mạnh thời gian qua. Trong khối doanh nghiệp tư nhân, Masan Consumer (MCH), FPT Telecom (FOX), Đường Quảng Ngãi (QNS),… cũng không kém cạnh.
Điểm đặc biệt của sàn UPCoM là các đại diện sáng giá trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ viễn thông, công nghệ, cảng, vận tải biển, công nghiệp, hàng không,… Điều này khác biệt hoàn toàn so với trên HoSE khi ngân hàng và bất động sản vẫn là 2 nhóm ngành chiếm tỷ trọng áp đảo dù nhiều doanh nghiệp địa ốc đã sa sút thời gian qua.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phân hoá rõ rệt. Các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững vàng, tình hình kinh doanh chuyển biến khởi sắc cùng những câu chuyển riêng hấp dẫn sẽ tiếp tục đi lên trong khi các doanh nghiệp có bệ đỡ lỏng lẻo hơn hoặc lĩnh vực hoạt động gặp nhiều thách thức sẽ dần đánh mất vị thế.
Sự phân hoá kéo dài khiến VN-Index dậm chân tại chỗ nhưng cơ hội đầu tư hấp dẫn vẫn luôn tồn tại. Có một thực tế rõ ràng là VN-Index trong suốt 24 năm lịch sử chủ yếu nằm dưới vùng 1.300 điểm nhưng vẫn có những cổ phiếu không ngừng vượt đỉnh cùng mức tăng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.
Điều quan trọng là nhà đầu tư cần tập trung nhiều hơn vào phân tích doanh nghiệp thay vì quá quan tâm chỉ số. Thêm nữa, việc đa dạng hoá khẩu vị, không chỉ bó hẹp trong những nhóm ngành quen thuộc như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán,… cũng sẽ giúp nhà đầu tư tránh được việc bỏ lỡ những cơ hội lớn.
Một minh chứng điển hình là Pyn Elite Fund - quỹ ngoại có quy mô đến 780 triệu EUR (21.000 tỷ đồng). Mặc dù vẫn đặt niềm tin lớn vào nhóm ngân hàng nhưng quỹ cũng đang phân bổ lượng vốn lớn vào các ngành khác như hàng không (ACV, HVN), công nghệ (FPT, CMG), bán lẻ (PNJ), chăn nuôi (DBC). Điều này giúp quỹ cải thiện hiệu suất đáng kể trong thời gian qua dù thị trường không thật sự thuận lợi.
Về cơ bản, với nhiều tiêu chí khắt khe, đa phần các quỹ đầu tư lớn sẽ khó giải ngân vào các cổ phiếu chưa niêm yết trên UPCoM hoặc các cổ phiếu cỡ vừa và nhỏ, dù biết có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, với nhà đầu tư cá nhân, điều này rõ ràng không phải trở ngại. Mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở việc chọn cổ phiếu, doanh nghiệp và kỷ luật trong đầu tư.