Tướng Khalifa Haftar của Libya được cho là đang theo đuổi quan hệ gần gũi hơn với Nga - Ảnh: REUTERS
Tờ The Libya Observer cuối tuần này đưa tin Nga đang tăng cường mối quan hệ với tướng Khalifa Haftar ở Libya. Vị tướng 81 tuổi này đứng sau chính quyền miền đông Libya, vốn không được Liên Hiệp Quốc công nhận nhưng đang kiểm soát phần lớn giếng dầu của Libya.
Dẫn lời một số chuyên gia, tờ báo này cho rằng các cuộc thảo luận hiện tại giữa Nga và tướng Haftar chỉ có một mục tiêu chính: bắt châu Âu làm con tin.
Trong những tuần gần đây, tướng Haftar đã ra lệnh đóng cửa mỏ dầu El Sharara với công suất 300.000 thùng/ngày. Các nhà khai thác hàng đầu của mỏ này bao gồm gã khổng lồ năng lượng của Na Uy Equinor, OMV của Áo, TotalEnergies của Pháp và nhà khai thác Tây Ban Nha Repsol.
Quyết định đóng cửa đã ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cho các khách hàng châu Âu, vì 80% sản lượng mỏ El Sharara là sang lục địa già.
"Đánh giá của Matxcơva về tình hình là rõ ràng. Một cuộc xung đột tiềm tàng giữa các thế lực được tướng Haftar hậu thuẫn ở Libya và các nhà khai thác dầu khí châu Âu mở ra cơ hội cho lợi ích của Nga. Gazprom (của Nga - PV), hoặc có thể là một thực thể Nga mới sáp nhập kết hợp Gazprom Neft, Rosneft và Lukoil, có thể nhảy vào khai thác", The Libya Observer nhận định.
Trang web Oil Price thì đề cập đến một báo cáo từ tháng trước của nền tảng điều tra Eekad, trong đó cho biết Nga đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Libya.
"Các lực lượng Nga đã thiết lập một số cầu hàng không đến căn cứ Brak Al Shati kể từ tháng 3 và các hoạt động gia tăng đã được báo cáo tại bốn căn cứ quân sự chiến lược khác. Matxcơva dường như có ý định sử dụng các khu vực dầu khí phía đông Libya làm cửa ngõ vào châu Phi", Eekad nêu vấn đề.
Mối quan hệ với Nga cũng đem lại lợi ích cho tướng Haftar, vốn đang gặp khó khăn vì mất đi sự ủng hộ của Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Nếu cú bắt tay này thành công, Nga không chỉ có thể biến các nguồn năng lượng của Libya thành vũ khí mà còn có thể tiếp cận các khoáng sản và kim loại có giá trị tại nước này, theo tờ The Libya Observer.
Kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ tại Ukraine, EU đã áp một loạt lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, trong đó đánh vào các mặt hàng dầu thô, khí đốt. Tuy nhiên, do sự phụ thuộc vào Matxcơva của một số nước EU, lệnh trừng phạt năng lượng đã được nới lỏng hoặc loại trừ với một vài nước.
Sản lượng dầu thô hiện tại của Libya là 1,36 triệu thùng/ngày, với tham vọng đạt 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2025, theo Tổng công ty Dầu khí quốc gia Libya.